Mực nước nhiều sông miền Bắc xuống dưới báo động 1

Hải Triều
Hải Triều
15/09/2024 13:14 GMT+7

Cùng với mực nước trên sông Thao, sông Lô, sông Hồng đã xuống dưới mức BĐ1, lũ trên sông Lục Nam tại Lục Nam, sông Thái Bình tại Phả Lại đang tiếp tục xuống và ở dưới mức báo động này.

Cập nhật diễn biến lũ trên các sông sáng nay 15.9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lũ trên sông Cầu (Bắc Ninh), sông Thái Bình (TP.Hải Dương), sông Thương (Bắc Giang), sông Lục Nam (Bắc Giang) và sông Hoàng Long (tỉnh Ninh Bình) đang xuống.

Mực nước nhiều sông miền Bắc xuống dưới báo động 1- Ảnh 1.

Mực nước trên nhiều sông đang xuống thấp

ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG

Mực nước trên sông Cầu tại Đáp Cầu là 6,23 m, dưới báo động (BĐ)3 0,07 m; trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 5,81 m, dưới BĐ3 0,49 m; trên sông Lục Nam tại Lục Nam 4,89 m, dưới BĐ2 0,41 m; trên sông Thái Bình tại Phả Lại 4,66 m, dưới BĐ2 0,34 m; trên sông Hoàng Long tại Bến Đế 3,92 m, dưới BĐ3 0,08 m.

Mực nước trên sông Thao (tại Yên Bái, Phú Thọ); trên sông Lô (tại Tuyên Quang, Vụ Quang), trên sông Hồng (tại Việt Trì, Sơn Tây, Hà Nội) đã xuống dưới mức BĐ1.

Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có thể hình thành trong vài ngày tới

Trong 12 giờ tới, lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Thương tại Phủ Lạng Thương, sông Hoàng Long tại Bến Đế tiếp tục xuống ở mức trên BĐ2 dưới BĐ3; trên sông Lục Nam và sông Thái Bình tiếp tục xuống và ở trên mức BĐ1.

Xu hướng giảm diễn ra trong 12 - 24 giờ tiếp theo, theo đó lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu tiếp tục xuống và ở trên mức BĐ2; sông Thương tại Phủ Lạng Thương, sông Hoàng Long tại Bến Đế tiếp tục xuống và dưới mức BĐ2.

Lũ trên sông Lục Nam tại Lục Nam, sông Thái Bình tại Phả Lại tiếp tục xuống và dưới mức BĐ1.

Mực nước nhiều sông miền Bắc xuống dưới báo động 1- Ảnh 2.

Cơ quan khí tượng thủy văn tiếp tục cảnh báo về các sự cố đê điều

ẢNH: NGUYÊN QUANG

Với diễn biến mưa giảm, cơ quan khí tượng thủy văn dự báo tình trạng ngập ở vùng trũng, thấp ven sông sẽ dần được cải thiện. Tuy nhiên, trong 24 giờ tới, mực nước lũ ở hạ lưu sông Hồng tại Nam Định, Ninh Bình hiện tại đang ở mức cao (trên BĐ2) nên vẫn còn nguy cơ ảnh hưởng đến đê bối ven sông, sạt lở đê, kè tại các vị trí xung yếu.

Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, tính đến sáng nay, các địa phương trên cả nước đã xảy ra 584 sự cố đê điều. Trong số này có 346 sự cố xảy ra trên các tuyến đê từ cấp III trở lên và 238 sự cố xảy ra trên các tuyến đê dưới cấp III. Các sự cố này đều tăng cao so với báo cáo trước đó (tăng lần lượt là 164 và 115 sự cố so với báo cáo công bố hôm qua 14.9)

Các sự cố phổ biến ở các tuyến đê từ cấp III trở lên là: cống qua đê, sạt lở đê, nứt mặt đê, đùn sủi, thẩm lậu, lỗ rò thân đê… Với các tuyến đê dưới cấp III, ngoài 1 sự cố vỡ đê thì có 73 sự cố tràn đê, 41 sự cố cống qua đê, 31 sự cố sạt lở đê, 11 sự cố đùn sủi, 69 sự cố lỗ rò thân đê…

Bật khóc, ám ảnh về trận sạt lở kinh hoàng ở Yên Bái: Nỗi đau mất người thân

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, quá trình thoát lũ, giảm lũ trên hệ thống sông Hồng diễn ra chậm nên tình trạng ngập còn diễn ra tại các vùng trũng, vùng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương.

Dự kiến, thời gian nước rút ở vùng trũng thấp ven sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ từ 8 - 10 ngày, ven sông Tích khoảng 5 - 7 ngày, hạ lưu sông Cà Lồ 2 - 3 ngày, sông Nhuệ từ 1 - 2 ngày.

Khu vực ngoài đê hạ lưu sông Hồng - Thái Bình (tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương), thời gian rút nước kéo dài từ 3 - 4 ngày. Các vùng không chủ động tiêu thoát thì khả năng kéo dài hơn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.