Chung tay khắc phục hậu quả bão số 3

Lũ sông Hồng xuống rất nhanh

Hải Triều
Hải Triều
14/09/2024 06:25 GMT+7

Hôm qua (13.9), miền Bắc có tin vui khi lũ trên toàn bộ các sông trong khu vực đều xuống. Đặc biệt, lũ sông Hồng xuống rất nhanh, dự báo xuống dưới mức báo động 1 trong hôm nay.

"Rốn lũ" Hà Nội cần 10 - 13 ngày mới rút hết nước

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia chiều qua, lũ xuống là xu thế chung trên tất cả các sông ở miền Bắc, gồm sông Cầu (Bắc Ninh), sông Thái Bình (TP.Hải Dương), sông Hoàng Long (Ninh Bình), sông Thương, sông Lục Nam (Bắc Giang). Riêng sông Hồng (TP.Hà Nội), lũ xuống rất nhanh, dự báo sẽ xuống dưới báo động 1 (BĐ1) trong hôm nay (14.9).

Nước sông Hồng và sông Đuống đang rút, các cây cầu đường sắt đã an toàn

Với diễn biến lạc quan trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) Hà Nội liên tiếp lệnh rút báo động lũ. Cụ thể, căn cứ mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên), lúc 1 giờ ngày 13.9 là 10,39 m (mực nước BĐ2 là 10,5 m), cơ quan này lệnh rút BĐ2 trên sông Hồng tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.

Buổi chiều, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Hà Nội tiếp tục lệnh rút BĐ1 trên sông Hồng lúc 14 giờ 40 phút tại địa phận các quận, huyện trên do mực nước sông Hồng xuống dưới BĐ1, còn 9,45 m (mực nước BĐ1 là 9,50 m).

Lũ sông Hồng xuống rất nhanh- Ảnh 1.

Người dân nhiều nơi bắt đầu dọn dẹp sau lũ

ẢNH: THANH TÙNG

Lệnh rút BĐ2 trên sông Đuống tại địa bàn Q.Long Biên và các huyện: Đông Anh, Gia Lâm cũng được Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Hà Nội ban hành khi mực nước sông Đuống tại Trạm thủy văn Thượng Cát lúc 0 giờ ngày 13.9 là 9,94 m (mức BĐ2 là 10,00 m).

Dù nước trên các sông rút nhanh nhưng theo cơ quan khí tượng thủy văn, quá trình thoát lũ, giảm lũ trên hệ thống sông Hồng có khả năng diễn ra chậm, nên tình trạng ngập vẫn xảy ra nhiều ngày tại các vùng trũng, vùng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính tại các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương.

Tuy nhiên, với diễn biến mưa giảm được dự báo trong những ngày tới, tình trạng ngập ở vùng trũng, thấp ven sông sẽ dần được cải thiện. Theo đó, ngoài đê vùng sông Hồng tại Hà Nội sẽ rút nước sau 2 - 3 ngày tới. Riêng vùng trũng thấp ở Chương Mỹ ven sông Bùi từ 10 - 13 ngày, sông Tích khoảng 7 - 10 ngày, hạ lưu sông Cà Lồ 3 - 5 ngày, sông Nhuệ từ 2 - 3 ngày.

Khu vực ven sông hạ lưu sông Hồng - Thái Bình (Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương) thời gian rút nước kéo dài hơn từ 3 - 6 ngày.

Hàng trăm đoàn viên Yên Bái chung tay giúp người dân khắc phục hậu quả lũ lụt

Làm chậm lũ về hạ du

Cho đến sáng 13.9, các hồ thủy điện Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng, Sơn La, Hòa Bình đã đóng toàn bộ các cửa xả theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Các hồ chứa thủy điện đang thực hiện xả điều tiết có: Tuyên Quang (2 cửa), Thác Bà (2 cửa), Trung Sơn (5 cửa), Bản Vẽ (4 cửa).

Để tăng cường công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống đê và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do ngập, lụt tại vùng hạ du, tối qua Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành công điện chỉ đạo về vấn đề này. Theo đó, Bộ trưởng Công thương đề nghị Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến thủy văn các hồ chứa thủy điện, có kế hoạch huy động các nhà máy thủy điện (nhất là đối với hệ thống hồ chứa thủy điện trên sông Đà, trong đó các hồ chứa thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình) một cách chủ động, khoa học, linh hoạt để cắt, giảm, làm chậm lũ về hạ du, đảm bảo tuân thủ các quy trình vận hành liên hồ chứa, đơn hồ chứa và các chỉ đạo của các cấp thẩm quyền.

Với các chủ đập, đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện, lãnh đạo Bộ Công thương yêu cầu phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khu vực hạ du đập và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm việc thông báo, cảnh báo đến người dân vùng hạ du diễn biến lũ, việc vận hành điều tiết lũ để người dân biết chủ động phòng, tránh đảm bảo an toàn. Đồng thời, bố trí lực lượng trực ban 24/24 giờ để chủ động xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn có thể xảy ra, đặc biệt là tình huống xả lũ khẩn cấp.

Điện, thư, thông điệp thăm hỏi VN

Được tin một số tỉnh miền Bắc VN chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, trong những ngày qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường; Ban Chấp hành T.Ư Đảng Nhân dân Campuchia; Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba Miguel Diaz-Canel Bermude; Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev; Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol; Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio; Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng lãnh đạo các nước khác và một số tổ chức quốc tế đã gửi điện, thư, thông điệp thăm hỏi, chia buồn đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân VN.

TTXVN

Số người chết tăng, mất tích giảm

Tính đến 17 giờ chiều qua, bão và lũ sau bão đã làm 336 người chết, mất tích, trong đó số người chết là 254 người, tăng 21 người so với báo cáo sáng cùng ngày. Số người mất tích là 82 người, giảm 21 người.

Trong số này, Lào Cai có 172 người (111 người chết, 61 người mất tích); Cao Bằng 52 người (43 người chết, 9 người mất tích); Yên Bái 50 người (49 người chết, 1 người mất tích); Quảng Ninh 22 người chết; Hải Phòng 2 người chết.

Ngoài ra, Hải Dương, Hà Nội mỗi nơi có 1 người chết; Hòa Bình 7 người chết; Lạng Sơn 3 người chết; Bắc Giang 2 người chết; Tuyên Quang 5 người chết; Hà Giang 1 người chết, 1 người mất tích; Lai Châu 1 người chết; Vĩnh Phúc 2 người chết; Phú Thọ 2 người chết, 8 người mất tích trong sự cố sập cầu Phong Châu, 1 người mất tích do lũ; Sơn La 1 người mất tích; Thái Nguyên 2 người chết.

Tổng số người bị thương là 823 người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.