Hơn 20 năm mưu sinh ở Sài Gòn, lần đầu tôi được ngửi lại mùi khói ấy, mùi của quê mình, mùi của miền ký ức khó nghèo nhưng đầy yêu thương.
Tôi nhắm mắt lại, hít lấy hít để mùi khói ấy như sợ nó tan mất. Cả một miền ký ức ùa về. Đó là mùi của mẹ, mùi của tuổi thơ tôi, mùi của sự chịu thương chịu khó, mùi của cả một miền quê ở Đức Phong, Mộ Đức, Quảng Ngãi cách đây hơn 20 năm.
Đó là mùi của mẹ tôi. Nhà tôi có 6 anh chị em. Ba mẹ nuôi anh em tôi bằng vài sào ruộng chia theo nhân khẩu, chừng một sào đất rẫy trồng mía, trồng mì. Để có đủ cái ăn và cho con ăn học, mẹ tôi cả ngày hết quần quật ngoài đồng, ngoài rẫy lại về nhà heo gà củi qué, vườn tược. Khi tôi còn nhỏ, nhà vẫn còn lợp tranh được đan bằng lá mía. Mẹ tôi xong việc ruộng vườn, người ướt đẫm mồ hôi, lật đật vô bếp lo cơm nước. Khói bếp len qua kẽ, lãng đãng trong ánh chạng vạng. Chăn trâu về, tôi chạy thẳng vào bếp xem hôm nay mẹ nấu món gì. Mùi khói quyện với mùi mồ hôi trên quần áo khiến mẹ tôi có mùi rất đặc biệt, không lẫn vào đâu được. Tôi nhớ cái mùi ấy như in đến tận bây giờ.
“Tháng 8 nắng rám lá bưởi” là câu thành ngữ người dân quê tôi hay dùng để chỉ cái nắng nóng khủng khiếp trong mùa lúa hè thu. Nhưng đó cũng là lúc chuyển để qua mùa đông. Ngày nhà đập lúa, mẹ dậy từ sáng sớm chuẩn bị sớm mai (bữa sáng) cho những người đàn ông đập lúa hôm đó, phụ nữ không được mời ăn sớm mai (phân biệt quá chừng). Tôi có nhiệm vụ đi đến nhà những người đàn ông gặt lúa cho mình để kêu họ tới ăn sáng. Mọi người ra ruộng, mẹ ở nhà chợ búa, chuẩn bị bữa trưa để gánh ra đồng. May mắn, trời không mưa mẹ sẽ thảnh thơi hơn chút. Chẳng may gặp trời mưa, lúa bị ướt, tối đó sau khi dọn dẹp xong, mẹ phải canh lúa ra nền nhà để lúa không bị mọng (lên mầm), rồi phải trở để lúa được khô đều. Mồ hôi lã chã. Trời nắng, mẹ phơi lúa ít nhất 3 nắng cho thật khô. Lựa khi trời có gió, mẹ rê lúa cho thật sạch mới cất vào lẫm cho khỏi mối mọt. Lúc nào người mẹ cũng toàn mồ hôi. Những lúc ấy, tôi lại ngửi thấy mùi quen thuộc trên người mẹ, mùi của nhọc nhằn, lam lũ, chịu thương chịu khó.
Mùa lúa tháng 3, người dân hay phơi khô rạ ngoài đồng sau đó đốt làm tro cho ruộng thêm dinh dưỡng. Mùi rơm rạ còn chưa khô hẳn, mùi khói đồng lẩn khuất trong chiều tối thật dễ chịu và ma mị. Đám trẻ chăn trâu chúng tôi thường lấy rạ khô, tuốt thật thẳng, bó lại thành đuốc. Mỗi đứa một cây, lửa hiu hiu, người lắc lư trên lưng trâu về nhà khi trời đã tối thui. Mùi khói rơm rạ, mùi khói bếp nhà ai theo về đến ngõ. Cho trâu vô chuồng, tôi có nhiệm vụ lấy nước vẩy lên đống lá tre, lá mít mẹ quét vườn hồi chiều trộn với trấu mẹ đã để sẵn gần đó và đốt lửa. Rác ui ui sẽ tạo nhiều khói bay vào phía trong chuồng để đuổi muỗi.
Mùa tháng 3, người dân hay cuốc ruộng phơi khô cả tháng trời để cải tạo đất. Những đêm có trăng, đám trẻ theo người lớn ra đồng. Họ cuốc ruộng, đám trẻ con đi bắt dế than. Những cây đuốc lúc chiều được nới lỏng để cháy thành ngọn lửa. Nghe chỗ nào có tiếng gáy, chúng tôi chạy đến, lật từng lát cuốc lên để bắt những con dế trống hăng máu đem về cho đá, thi thố với nhau. Có những khi giành lộn, đánh nhau sưng đầu.
Tôi vẫn về quê mỗi năm vào dịp tết. Nhà tranh không còn, giờ chỉ có nhà tầng, nhà lợp ngói. Bếp củi được thay bằng bếp gas, bếp điện nên mùi khói bếp cũng không còn. Mẹ tôi đã gần 80, vui vầy bên con cháu, không còn lam lũ như trước. Đường đất được đổ bê tông đi bon bon. Ruộng rẫy đã có máy móc thay sức con người. Tôi mừng vì quê mình phát triển, đời sống người dân không còn khó nghèo, cơ cực.
Nhưng mùi khói ui ui cỏ dại Sài Gòn chỉ làm người xa quê nhớ về những kỷ niệm xưa cũ chưa đủ đầy.
|
Bình luận (0)