Và tôi đã chạm tới mùi Sài Gòn không chỉ mắt thấy tai nghe qua sách báo, truyền hình mà mùi Sài Gòn rất trung thực, chân thật một cách trực tiếp: mắt thấy, tai nghe, tay sờ được, mũi ngửi đủ thứ mùi vị…, rất Sài Gòn, bắt đầu từ hè năm 1998.
Mùi của mưa
Mùi đầu tiên mà tôi "chạm" đến là… mùi của mưa. Trên chuyến xe khách, xe chạy đến mảnh đất Sài Gòn, tôi chẳng hay. Chỉ khi gần đến bến xe miền Đông, tôi mới biết mình đã chạm Sài Gòn. Trong đầu biết bao nỗi lo, sự choáng ngợp của Sài Gòn, tôi thuê xe ôm tìm đến nơi chị gái trọ.
Mưa như tuôn như trút, đêm khuya khoắt, tôi không quan sát được gì đáng kể ngoài việc trùm áo mưa kín đầu (thi thoảng có hé nhìn). Tôi không nhìn thấy được sự phồn hoa, tráng lệ của thành phố. Lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn, ấn tượng đầu tiên là… mưa. Tìm được tới chỗ chị trọ cũng đã hơn 12 giờ đêm. Ngồi trong căn phòng trọ mái tôn, mưa vẫn không ngớt. Mưa ầm ầm tuôn rơi! Thế là "mùi" của mưa đã để lại "ấn tượng không phai" trong tôi.
Mùi của đất
Cùng với mùi của mưa, những cơn mưa to nhỏ, chợt đến chợt đi, không mưa dầm mưa dề như ở quê, là mùi của đất, của bùn lầy Sài Gòn. Dãy trọ chị trọ rất… thô sơ, mái tôn, cửa tôn, bao vây từng căn phòng và những dãy trọ cũng bằng… tôn.
Lối ra vào chưa có bê tông nên mùi của đất, của bùn vẫn ngai ngái trong tôi của những ngày ấy và bây giờ. Cái mùi ngai ngái ấy tôi đã gắn bó một thời khốn khó nhưng cũng không phai được. Mùi của đất, của dãy trọ thô sơ, lụp xụp, ẩm mốc mà tôi từng ở, từng đến chơi ở những dãy trọ khác vẫn… thơm đến tận bây giờ.
Cái mùi đất rất Sài Gòn ấy thi thoảng vẫn được ngửi thấy ở trên những cung đường nào đó của thành phố hôm nay.
Mùi… vị ngọt của đường
Vị ngọt của đường theo tôi suốt cuộc đời trong mỗi bữa ăn, bắt đầu từ ngày tôi đặt chân lên mảnh đất tình người – Sài Gòn hoa lệ với những món ăn có vị ngọt này. Và món ăn rất ấn tượng mà tôi không bao giờ quên, đó là canh chua của một Sài Gòn xa lạ bỗng thân quen và thân thương. Ăn món canh chua khác hẳn canh chua ở quê nhưng tôi thích ngay, dù lần đầu ăn canh với rau củ quả và nước đều rất khác, trong đó có vị ngọt của đường.
Nếu ở quê sử dụng mì chính (bột ngọt) làm gia vị thì Sài Gòn lại… rất đường. Tôi rất thích món ăn kiểu Sài Gòn và vị ngọt của đường trong các món ăn. Chính vì thế, trong hơn 20 năm gắn bó với Sài Gòn, mỗi bữa ăn của tôi đều có vị ngọt của đường.
Mùi đắng của… rau đắng
Tôi yêu nhiều món ăn đậm chất Nam bộ, trong đó là bún mắm Sài Gòn. Tôi thích vì có vị ngọt đậm của đường, của các loại rau rất riêng của phương Nam và rất… rau đắng.
Thời học sinh, chỉ biết món rau đắng một cách loáng thoáng qua bài hát (Còn thương rau đắng mọc sau hè – cố nhạc sĩ Bắc Sơn) chứ chưa bao giờ nhìn thấy, dù qua tivi hay sách báo. Loại rau đắng cùng với muống chẻ, bắp chuối bào, bông súng, cà tím, các loại rau thơm cùng các loại thực phẩm đặc trưng của bún mắm đã "lôi kéo" tôi ngay từ tô bún đầu tiên, để rồi "ghiền" tới bây giờ.
Hầu như nhiều năm nay, tuần nào tôi cũng "thưởng" cho mình một vài tô bún mắm. Và mùi đắng của rau, chúng tôi lại thưởng thức tại nhà khi nấu lẩu mắm. Nếu thiếu rau đắng, với tôi, lẩu mắm, bún mắm giảm đi rất nhiều vị ngon.
Mùi hủ tiếu gõ
Cái âm thanh quen thuộc bất cứ ngày hay đêm, nhất là vào ban đêm, vẫn là âm thanh quen thuộc của Sài Gòn. Ban đêm, nghe tiếng lóc lóc với giai điệu nhịp nhàng, điêu luyện của những "chuyên gia" hủ tiếu gõ là… thèm. Chỉ nghe tiếng đã ngửi thấy mùi, dù xe hủ tiếu ở cách xa cả… trăm mét. Cái mùi hủ tiếu tỏa ra từ âm thanh tiếng gõ quen thuộc.
Bây giờ, mùi hủ tiếu gõ đã thưa dần, vơi đi rất nhiều nhưng không thể mất hẳn. Thi thoảng tôi vẫn nghe tiếng gõ ấn tượng ấy. Và hy vọng rằng, đến một lúc nào đó, hủ tiếu gõ sẽ được "phục hưng". Biết đâu, hủ tiếu gõ sẽ trở thành món ngon Sài thành, món ăn xứ Việt?
Mùi của bánh mì
Tiếng rao bánh mì mỗi sáng, mỗi tối cũng trở thành "đặc sản" của Sài Gòn. Bánh mì vốn là đặc sản, tiếng rao cũng trở nên… đặc sản. Tiếng rao ấy phát âm từ người bán đến từ nhiều vùng miền. Giọng nói, phát âm khác nhau nhưng mỗi khi rao, tiếng rao ấy tựa như quyện vào thành một – Sài Gòn.
Cũng từ Sài Gòn, tôi được thưởng thức món bánh mì có thịt ngon ơi là ngon của thời nghèo khó. Và lại được thưởng thức vị ngon của bánh mì trong những dịp hè đi phụ hồ, khi chủ nhà hay chủ thầu đãi. Một điều khó quên về bánh mì Sài Gòn là mùi… bánh to chà bá. Cái bánh mì to khủng chưa bao giờ thấy trên sách báo, truyền hình, và cũng chưa thấy bất cứ nơi đâu. Có lẽ vì vậy mà tạo cho vẻ "sang chảnh" của bánh mì Sài thành.
Mùi trà đá miễn phí
Những thùng trà đá miễn phí không chỉ thơm từ trà, mà thơm cả từ tấm lòng thơm thảo của gia chủ. Trà đá miễn phí! Ấn tượng đấy chứ! Nó cũng đã gắn với một vị khách ngoại quốc đặc biệt. Hình ảnh Hoa hậu Thế giới 2013 – Megan Young uống thử trà đá miễn phí trên đường phố Sài Gòn khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi đức tính giản dị của mỹ nhân người Philippines.
Hầu như những bình trà đá có mặt trên mọi tuyến đường từ ngoại thành đến nội thành. Những câu chữ thân thương, nghĩa tình được gắn lên bình trà đá như một lời chào mời dành cho mọi người khi khát nước. Những bác xe ôm, chị mua bán ve chai, cụ già bán vé số… cũng vơi bớt nhọc nhằn từ ly trà đá mát lạnh này.
Mùi của giọng Sài Gòn
Nếu có ai hỏi tôi rằng, bạn yêu thành phố này vì điều gì, tôi xin trả lời rằng, Sài Gòn đủ thứ để yêu, để gắn bó, để vẹn tròn một tình yêu. Song, một trong những yếu tố mà tôi rất yêu, đó là mùi của… giọng Sài Gòn.
Việt Nam với giọng nói "đa sắc màu". Tôi yêu sắc màu Sài Gòn nhất. Yêu chất giọng ấy bắt đầu từ phim ảnh, nhất là thời hoàng kim điện ảnh với Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Diễm Hương, Việt Trinh… Hồi ấy, chỉ nghe qua giọng nói mà đem lòng… yêu thương. Cái mùi của giọng Sài Gòn rất khó diễn tả hết được. Tôi xin kết lại bằng một từ về mùi giọng này: yêu!
Mùi của hào sảng, nghĩa tình
Hào phóng, hào sảng, nghĩa tình là mùi lan tỏa khá rộng và sâu về một Sài Gòn không chỉ cả nước biết đến mà nhiều du khách ngoại quốc cũng cảm nhận được điều đó. Cái mùi này nuôi dưỡng biết bao tâm hồn sống đẹp, sống tử tế. Và tôi cũng cảm ơn Sài Gòn đã kết tôi lại để tôi trở thành một người con của thành phố, góp phần bé nhỏ của mình vào mùi đáng tự hào này.
Mùi của kẹt xe, khói bụi
Mỗi ngày trên cung đường khá dài, đường phố đông đúc, mùi của khói, của bụi, của kẹt xe trở thành "hương vị thân quen". Với góc nhìn của tôi, cái kẹt xe, khói bụi cũng là một nét đặc trưng của thành phố. Tôi quen nhịp sống này từ lâu nên hòa mình vào không một lời than thở. Vì yêu nên có thể quên đi cái cảnh kẹt xe, vì lạc quan nên quên đi khói bụi. Thay vì thở than, mình có thể làm những việc nhỏ theo cách của mình để giảm khói bụi, giảm kẹt xe. Đối diện với cảnh ấy, hãy… bình thường thôi.
Ôi! Mùi Sài Gòn, còn có biết bao mùi thú vị khác nữa, mùi của triều cường, mùi đáng yêu và đáng trân quý những cô chú vệ sinh đường phố, mùi của những hàng cây rợp bóng xanh mát, mùi của nắng giòn tan…
Yêu Sài Gòn, ta có thể chuyển đổi cảm giác. Mọi giác quan có thể kết thành một… khứu giác. Và mùi Sài Gòn trong tôi là thế! Và hơn thế nữa!
Bình luận (0)