Đầu năm mới Canh Tý 2020, tôi ghé một đàn anh trong nghề giáo để chúc tết vợ chồng anh chị. Anh chị là những người làm nghề dạy học có con gái theo nghề ba mẹ. Câu chuyện mà hai anh em nói ngày tết thông thường xoay quanh vấn đề giáo dục, là kỷ niệm về nghề dạy học, về cuộc sống thường ngày.
Năm nay chuyện bắt đầu xoay quanh cái bánh chưng ngày tết-chuyện gói bánh từ đó dẫn dắt đến chuyện giáo dục, nghề dạy học..
Sản phẩm của giáo dục là quá trình hoàn thiện con người
“Nhiều người gói bánh chưng ngày tết chỉ đơn giản là gói bánh. Đúng ra bánh chưng ngày tết phải được gói bằng sự kính cẩn trước tổ tiên. Cái bánh chưng ngày tết được gói bằng cả tâm trí con người. Là sự kính trọng tổ tiên, là yêu thương đùm bọc gia đình, là tình yêu của bố mẹ với con cái, là kính hiếu ông bà...”, anh nói như vậy để cái đích mà anh muốn nói đối với tôi là làm giáo dục.
Anh tiếp: “Nhiều người tưởng cứ làm xong cái chương trình, có vài bộ sách giáo khoa là giáo dục sẽ có kết quả. Còn khuya nhé! Giáo dục là sự tương tác giữa con người với con người, giữa thế hệ trước với thế hệ sau. Giáo dục là cầu nối giữa quá khứ đến hiện tại và tới tương lai. Chính vì thế, hơn mọi ngành nghề khác, nghề dạy học cần cái tâm hơn hết thảy mọi ngành nghề trong xã hội”.
|
Tôi hỏi “Liệu anh có nói quá lên không đấy? Ngành nghề nào muốn thành công, muốn có sản phẩm tốt mà lại không đặt tâm vào cơ chứ. Lơ đãng một chút, sản phẩm có còn là sản phẩm hay là phế phẩm rồi.”
“Chú nói vậy chỉ đúng có một phần: sản phẩm của các ngành khác phần nhiều đã có sự can thiệp mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Ví như cái quần cái áo chú đang mặc, nhà thiết kế sáng tạo ra chúng, nhưng may chúng thì có cả một dây chuyền với sự giúp đỡ của máy móc. Các sản phẩm khác quanh chú cũng vậy, có chút ít tâm trí ban đầu, sau thì cứ thế mà ra sản phẩm, hàng loạt sản phẩm. Nhưng sản phẩm của giáo dục lại khác, rất khác, đó là quá trình hoàn thiện con người...”, anh giải thích.
Anh nói đúng, không có một sản phẩm nào ngoài sản phẩm của giáo dục tham gia vào quá trình hoàn thiện mình. Lỗi sản phẩm trong các ngành sản xuất khác là có thể chấp nhận, nhưng sản phẩm của giáo dục thì không có quyền lỗi. Chính vì thế, cần phải có tâm, có trí trong giáo dục.
|
Giáo dục cần lắm cái tâm
Làm xong chương trình, viết xong vài bộ sách giáo khoa mới chỉ là làm một phần của giáo dục, mới có công sức của một phần, phần trí - là quan trọng, rất quan trọng nhưng mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ đối với giáo dục là tâm, trước hết là người thầy, sau là học trò, là phụ huynh, là cả xã hội. Chỉ mình thầy có tâm thôi chưa đủ. Trò cũng phải có tâm, đặt tâm trong học tập. Rồi phụ huynh, rồi xã hội, cũng phải có tâm cùng nhau phát triển giáo dục, mới hy vọng sản phẩm giáo dục làm ra không lỗi, ít lỗi - nghĩa là dùng được.
Có ai trong chúng ta không có những thầy cô trong cuộc đời. Nhớ về thầy cô mình cũng là hành động thể hiện cái tâm trong giáo dục.
Mồng ba tết thầy. Tôi cũng như mọi người sẽ gọi điện, nhắn tin chúc tết thầy cô giáo của mình. Khi trân trọng nghề dạy học ây cũng là thể hiện phần tâm trong giáo dục.
Bình luận (0)