Mừng thọ nét đẹp trong ngày tết cổ truyền

01/02/2022 06:00 GMT+7

Cách đây chưa lâu, từ TP.HCM, ngày mùng 3 Tết tôi “cưỡi” máy bay về quê ở Thanh Hóa thắp nhang nhà thờ gia tiên nhân dịp mừng cha tôi bước sang tuổi thượng thượng thọ (90).

Quê tôi là vùng thuần nông gần biển Sầm Sơn. Tuy ở xa về, tôi vẫn cảm nhận không khí Tết như vẫn còn ấm nóng trên bàn thờ gia tộc họ Phạm và trên từng nét mặt, nụ cười người thân trong gia đình và bà con hàng xóm.

Các cụ được mừng thọ ở thôn Hà Trung, xã Quảng Đức, H.Quảng Xương (Thanh Hóa) nhận bằng mừng thọ

Khuynh diệp

Theo phong tục quê tôi và trở thành quy định chung của toàn xã, vào ngày mùng bốn tết, con cháu tổ chức mừng thọ cho ông bà, cha mẹ thọ 70, 80, 90... tuổi. Tuổi 70 gọi là thọ. Tuổi 80 là thượng thọ. Cụ nào vào tuổi 90 thì thượng thượng thọ. Một trăm tuổi gọi là đại thọ.

Theo Quy định của Hội người cao tuổi, đúng giờ hoàng đạo, những cụ trong danh sách mừng thọ được con cháu đưa ra Nhà văn hóa thôn và được Ban tổ chức xếp ngồi hàng ghế đầu. Những cụ đã được mừng thọ năm trước hoặc người dưới tuổi thọ cùng dân làng ngồi ở hàng ghế sau. Sau khi ông Chi hội trưởng người cao tuổi của làng tuyên bố nội dung lễ mừng thọ, ông Bí thư chi bộ trịnh trọng đọc thư của Đảng ủy xã chúc thọ những cụ lên tuổi 70, 80, 90… Trưởng thôn được phân công đọc danh sách các cụ được mừng thọ và trao bằng công nhận thọ của T.Ư Hội người cao tuổi Việt Nam (nay giao cho Hội cấp huyện, quận) công nhận, kèm bao thư số tiền mừng do ngân sách địa phương quy định.

Là đứa con xa quê gần nửa thế kỷ vượt Trường Sơn tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường khi làng tôi còn chịu những trận bom và pháo của máy bay từ hạm đội 7 của Mỹ dội xuống, nay trở về mừng thọ cha mình, tôi vinh dự được ông Bí thư chi bộ mời lên thay mặt dân làng và con cháu có các cụ được mừng thọ phát biểu cảm tưởng. Đại để, tôi hứa với các cụ tiếp tục làm tròn bổn phận của con cháu với bậc sinh thành, dưỡng dục. Tôi cũng không quên đọc hai câu ca dao mà người xưa đã khuyên răn nhắc nhở con cháu sống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, đừng để bị người đời cười chê:

Lúc sống chẳng cho ăn nào

Đến khi chết xuống, mâm cao, cỗ đầy

Năm ấy, làng tôi đề ra chỉ tiêu trở thành làng đạt chuẩn văn hóa mới. Đây cũng là lý do chính quyền và Hội người cao tuổi vận động nhân dân ăn tết tiết kiệm và tổ chức mừng thọ có văn hóa. Cha tôi là một trong hai cụ của làng vào tuổi mừng thượng thượng thọ nên sau lễ mừng thọ ở Nhà văn hóa thôn về, bà con nội, ngoại, dân làng đến chúc thọ cha tôi rất đông. Người cây bánh, hộp mứt. Người vài chục ngàn bạc gọi là thơm thảo. Sang hơn, có người mang tặng bức trướng, tấm khánh, xem ra tình cảm khá đậm đà. Hôm ấy, cha tôi vận bộ quần áo dài may theo kiểu “hoàng bào” bằng lụa Tân Châu (An Giang) do vợ tôi là người miền Nam đặt may gửi ra biếu. Cha tôi ngồi giữa giường, con cháu và cô bác trong làng vây quanh chúc thọ. Trước không khí đầm ấm ấy, cha tôi xúc động, nói: “Thế này thì cha có thể sống thêm được mấy năm nữa!”.

Có thể ở đâu đó, trong cơ chế thị trường người ta coi lễ mừng thọ là dịp để trổ tài khoe sự giàu có, sang chảnh. Riêng hình thức mừng thọ tôi có dịp mục sở thị trong dịp tết ở quê mình đã tô thêm cho nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc trong những ngày tết đến xuân về: Kính lão đắc thọ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.