Dâng hết cho đời

07/08/2021 06:32 GMT+7

Hồi trước, nhà nghèo ít đất mà mất mùa thường xuyên. Lắm lúc thắt ngặt không tiền, bác qua thăm, dấm dúi cho tôi mấy đồng đi học.

 Ngày tôi là đứa học trò duy nhất trong ấp từ trước đến nay đậu đại học thời điểm 2009, bác tới chơi, nhét vào tay tôi 200.000 đồng. Đó là số tiền không nhỏ hồi ấy, có thể mua dăm bảy thùng mì ăn liền.
Bác biểu lên thành phố ráng học cho giỏi để sau ra trường còn đỡ đần mẹ cha. Quê mình nghèo quá, không dễ mà đi được đến chừng này...
Suốt 4 năm đi học trên thành phố, lần nào về thăm nhà bác cũng đến chơi và nhét cho tôi đôi ba trăm ngàn. Bác làm nhà nước, lương tháng cũng chỉ mấy trăm, nhưng bác biểu bác quá thương người chịu khó, quý nhân tài, dặn tôi cố gắng học đừng phụ lòng ba mẹ tin tưởng và quê hương mong đợi.
Sự quan tâm khích lệ của bác, số tiền quý giá đã nuôi tôi qua vài bữa đói trong lúc khó khăn nhất, là một thứ ân huệ mà cả đời tôi ghi khắc.
Người mà tôi nhắc tới và muốn tri ân vì tấm lòng tử tế, yêu thương, sự tốt bụng và sẻ chia, cả đời sống vì mọi người ấy chính là ông cựu chiến binh Lê Văn Tươi (71 tuổi, trú ấp 14, xã Vĩnh Lợi, H.Thạnh Trị, Sóc Trăng), mà tôi vẫn quen gọi là bác Năm.
Đến nay, dù đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng bác vẫn miệt mài làm công tác dân vận, khuyến học, chăm lo đời sống tinh thần người cao tuổi trên địa bàn và phổ biến, hướng dẫn nhận chính sách hỗ trợ của nhà nước cho thương binh, gia đình liệt sĩ cũng như bảo trợ xã hội đối với thành phần kém may mắn hoặc bệnh tật ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Nặng lòng với những thành phần dễ bị tổn thương

Thời trai trẻ, bác Năm tham gia cách mạng và làm du kích ở địa phương. Trở về sau cuộc chiến với chỉ số nhiễm chất độc màu da cam được giám định là 61/80, may mắn đã không mỉm cười với gia đình bác khi anh Lê Văn Hùng (con trai thứ của bác Năm) nhiễm chất độc da cam, chịu thương tật đôi chân vĩnh viễn và khiếm khuyết tinh thần đến suốt đời.
Cùng với tháng năm, các con của bác Năm trưởng thành đều đã thành gia lập thất và ở riêng. Chỉ còn hai vợ chồng bác Năm chăm sóc đứa con trai ngoài
40 tuổi tật nguyền. Mọi sinh hoạt thường nhật như ăn uống hay vệ sinh đều cần có người nâng đỡ, săn sóc.
Hơn nửa cuộc đời chăm sóc người con đẻ tàn tật, thấu hiểu nỗi đau của những bậc cha mẹ trót sinh ra những đứa con dị hình, bác Năm Tươi luôn trăn trở, tích cực tìm hiểu và phổ biến những hỗ trợ của nhà nước và xã hội đến những gia đình không may mắn, mong muốn xoa dịu dù chỉ một phần nhỏ vết thương mà chiến tranh để lại.
Trước khi nghỉ hưu, bác là Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi. Vốn xuất thân là nông dân, bác Năm Tươi hiền hậu rất mực lại dễ gần nên được người thương kẻ quý, già yêu trẻ mến.
Hiện tại bác vẫn được địa phương tín nhiệm, bầu giữ chức tổ trưởng tổ thương binh xã hội của xã. Ngoài chăm lo đời sống tinh thần gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, bác Năm còn tích cực hướng dẫn những gia đình có bệnh nhân nhiễm chất độc da cam, bệnh nhân tâm thần, người già neo đơn hoặc mắc bệnh ngặt nghèo được hưởng trợ cấp xã hội.

Bạn đường của người cao tuổi

Ngoài hoạt động trong tổ thương binh và xã hội, bác Năm hiện còn giữ vị trí Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi ấp 14. Ngồi sau xe ôm với tấm lưng còng vì năm tháng, bác Năm không quản ngại mưa nắng đến thăm hỏi, tổ chức mừng thọ cho những cụ ông, cụ bà đến tuổi “thế gian khó kiếm”. Ngoài những phần quà và hỗ trợ nho nhỏ, bác Năm Tươi còn vào vai người bạn già bên ấm trà, sẵn sàng hàn huyên tâm sự để các cụ bớt cô đơn những ngày xế bóng. Bởi suy cho cùng, chỉ có người già mới thấu hiểu tâm tình của người già.
Trong ấp có cô Hồ Thị Hưng vốn mắc bệnh tâm thần từ những năm tháng chiến tranh, được bác Năm Tươi tổ chức mừng thọ thân mật, ấm áp và nghĩa tình. Bác đối xử công bình giữa những phận người, dù là ai, ở trong điều kiện nào cũng được bác tôn trọng với ý nghĩa cao nhất là một con người.
Khi được hỏi, hiện tuổi tác đã cao sao bác không nghỉ ngơi, hưởng phước từ cháu con. Bác Năm Tươi cười hề hề đáp: “Còn sức bác còn làm. Trời cho đến đâu hay đến ấy”.
Cả một đời hết lòng cho phận sự và thầm lặng hiến dâng. Bác Năm Tươi là một hình ảnh đẹp tiêu biểu nhất của thế hệ anh hùng, nửa đời hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, nửa đời còn lại xoa dịu, hàn gắn vết thương hậu chiến, nuôi lớn tình yêu thương giữa người với người bằng tấm lòng nhân ái, vị tha.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.