'Hia ơi!...'

25/07/2021 07:00 GMT+7

“Tôi ráng lo cho cổ, chừng nào chết thì thôi”, nói rồi như sợ lỡ lời, ông Dương quay sang vỗ vỗ bàn tay bà Minh như muốn nói xin lỗi. Vậy mà bà Minh đã nghe được, òa lên khóc: “Hia ơi, hia đừng nói chết, tui sợ lắm. Hia ráng lo cho tui nghe”. Ông Dương chầm chậm từng lời: “Hia nói là nói vậy, nghĩa là hia còn lo cho cô hoài, chớ cô không có chết chóc chi hết”.

Bà Minh tên thật là Quách Tăng Ngọc Minh, 51 tuổi, ở trọ đường Phạm Ngũ Lão, P.An Hòa, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Bà côi cút từ nhỏ, được các sơ trong trường dòng ở Vị Thanh nuôi lớn. Năm 20 tuổi, bà Minh lên Cần Thơ mưu sinh bằng nghề lượm ve chai, từ đó đến nay. “Nghe các sơ kể tôi người gốc Hoa, ba họ Quách, mẹ họ Tăng. Tôi mồ côi từ nhỏ, không bà con dòng họ, ngoài hia Dương thôi”, bà Minh nói bằng giọng thều thào của một bệnh nhân ung thư giai đoạn 4. Từ “hia”, nghĩa là anh, mà bà hay gọi là theo cách xưng hô của người Hoa.
Còn ông Dương tên thật là Phạm Dương, 58 tuổi, ngụ P.Long Tuyền, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ. Ông Dương đã gãy gánh giữa đàng, giờ sống với 2 đứa con nhỏ mới 10 và 12 tuổi. Ông mưu sinh bằng nghề ngủ giữ sà lan, mỗi tháng chỉ được 3 triệu đồng.
Những mảnh đời buồn hiu gặp nhau, họ nhận nhau là anh em kết nghĩa rồi dìu dắt nhau qua những cơ cực đời người. Từ người dưng hóa thành người thân, một câu chuyện tình người đằng sau tiếng gọi trìu mến “hia ơi...”.

Thương vì ai cũng khổ

Nhắc đến tình anh em kết nghĩa của họ, phải kể chuyện cách đây 8 năm bằng cuộc gặp gỡ tình cờ ở bến Ninh Kiều.
Những buổi chiều buồn, ông Dương chở hai con xuống bến Ninh Kiều dạo chơi, hóng mát, ông thấy bà Minh lụi hụi ở đây lượm ve chai. Người phụ nữ có vẻ ngoài hơi ngờ nghệch, nét đẹp bị những vết hằn thời gian phủ lấp nhưng lại có nụ cười hiền khô, nét thánh thiện ánh lên trong ánh mắt. Họ chào nhau, rồi làm quen, kể chuyện về đời mình. Người thì côi cút, người thì gà trống nuôi con, họ cúi đầu nhận nhau là anh em kết nghĩa. Ông Dương bồi hồi: “Thương vì ai cũng khổ mà con Minh nó khổ hơn tôi gấp vạn lần, không dòng họ gì hết. Thương là thương ở chỗ đó”.
43 tuổi, bà Minh mới biết niềm vui khi mình có anh trai, được gọi tiếng hia từ tận cốt nhục thâm tình. Bà mừng lắm, vì biết rằng từ nay bà sẽ không còn cút côi. 8 năm qua, anh em bà Minh cứ nương theo tình thương mà sống, mà trân trọng nhau, dù mỗi người một nơi. Bà sống nhà trọ, lượm ve chai, còn ông có cuộc sống của riêng mình. Lục bình có linh đinh trăm nẻo sông dài thì vẫn biết bám phù sa vào cội rễ mà xanh mướt, trổ bông. Bà Minh nương tiếng gọi “hia ơi...” như hạt phù sa đời mình...
 'Hia ơi !...'1

Trên chiếc xe đạp cũ, ông Dương chở bà Minh đi bệnh viện tái khám

ẢNH: DUY KHÔI

“Cạn đìa mới biết lóc trê !”

Anh em bà thân thiết, cũng có tiếng vào lời ra, rằng ông Dương có lợi dụng bà chi đây, hay bà Minh có “ý đồ” gì chẳng biết. Họ chỉ đáp lại miệng đời bằng câu nói: “Cạn đìa mới biết lóc trê!”.
“Minh ơi Minh, mở cửa cho hia!”. 6 giờ sáng, đều đặn mỗi ngày, ông Dương đạp xe qua quãng đường 10 cây số, gõ cửa phòng trọ bà Minh. Bà Minh lết từ trên chiếc chiếu cũ ra mở cửa: “Hia mới tới hả hia!”. Sau mấy câu hỏi thăm về sức khỏe, ông Dương xắn tay dọn dẹp nhà cửa, xếp lại cái mền, tháo mấy góc mùng cho gọn rồi nấu nước pha sữa, lấy thuốc cho bà Minh uống.
Lo cho em xong thì ông Dương lại đạp xe về, chiều chừng 4 giờ lại đạp xe xuống, vẫn với những công việc không tên, nhất là chuyện thuốc men. Mỗi ngày như vậy, ông Dương phải đạp 40 cây số chứ không ít. “Cổ lẫn lộn nhiều, đi đứng khó khăn do bệnh tật, thuốc men đâu biết đường uống cho trúng lời bác sĩ dặn. Bỏ cổ một mình không yên tâm, em mình mà”, ông Dương nói.
Gần 2 năm trước, bà Minh thấy sức khỏe không tốt, đi khám thì biết mình bị ung thư vú, đã vào giai đoạn di căn. Rủi thay sau đó không lâu, trong lúc đi lượm ve chai bà bị đụng xe, gãy chân và chấn thương đầu. Rồi bệnh ung thư bộc phát, khối u tuyến vú vỡ ra, nực mùi, khiến ai cũng tưởng bà đã chết. May nhờ có một nhóm từ thiện kêu gọi giúp đỡ, đưa bà đi trị bệnh, nhưng cần phải có người chăm sóc. Lúc đó, người duy nhất bà Minh nhớ tới là hia Dương. Ông Dương không một chút do dự mà gật đầu cái rụp: “Yên tâm trị bệnh đi, để hia lo cho mày”.
Hơn 8 tháng qua, bà Minh đã 4 lần vào bệnh viện để chữa trị, mỗi lần vài tuần tới cả tháng. Bây giờ cứ mỗi tháng thì có nửa tháng bà Minh nằm viện. Bà nằm viện ngày nào thì ông Dương trực chiến ngày đó, chăm sóc thuốc men, ăn uống, cả chuyện vệ sinh cá nhân. Mặc kệ những lời đàm tiếu, bởi ông biết rằng ông không lo thì ai lo và trong những lúc như thế này, bà Minh lại cần ông hơn hết.
Trên chiếc xe đạp cũ, tiếng cọc cạch điểm xuyết cho những vòng quay, ông Dương chở bà Minh đi nhập viện rồi chở bà từ bệnh viện về phòng trọ, đều đặn cả năm qua. Mấy hôm nhà thờ còn mở cửa làm lễ chủ nhật, ông lại chở bà đi dự lễ, có khi rảnh thì ghé uống một ly cà phê ở quán cóc vỉa hè. Trong câu chuyện, họ ngại nói về sự chết mà nói về niềm vui. Phải chăng trong cái khổ cuộc đời thì tình người đã cho họ động lực nâng niu cuộc sống?
Hơn 5 giờ chiều. Ông Dương đã kịp cho bà Minh ăn cơm, uống thuốc, và lau dọn căn phòng trọ. “Thôi, hia về. Tối ngủ nhớ đóng cửa cẩn thận, điện thoại sạc cho đầy pin để có gì gọi được”, nói rồi ông lên xe đạp còng lưng nhấn pê đan khuất dần trong bóng chiều của hẻm sâu hun hút...
Mời bạn đọc gửi bài tham gia cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức với tổng giải thưởng 260 triệu đồng
Câu chuyện phản ánh trong bài dự thi phải là người thật, việc thật. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng để cho cuộc sống ngày một tốt hơn, góp phần lan tỏa những câu chuyện đầy tính nhân văn (nhận bài từ ngày 26.3 đến hết 31.7.2021).
Thể loại: ký sự, phóng sự hoặc ghi chép.
Giải thưởng dành cho tác giả có bài viết dự thi:
1 giải nhất: 30.000.000 đồng.
2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng.
3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.
5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
5 nhân vật được vinh danh do Ban tổ chức và bạn đọc bình chọn: 30.000.000 đồng/trường hợp.
Bài dự thi gửi qua địa chỉ email chương trình: songdep@thanhnien.vn, Hoặc bằng thư qua đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi viết Sống đẹp).
Độc giả có thể xem thể lệ chi tiết tại địa chỉ: bit.ly/cuocthivietsongdep
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.