Mười chín năm ngày ấy và những khó khăn
Mười chín năm về trước, cụm trường tiểu học làng Dip (Gia Lai) gồm bốn lớp học thuộc trường THCS số 2 Ia Mơ Mông được thành lập. Mười chín năm về trước, nơi đây cũng có một thầy giáo không quản nhọc nhằn đưa chữ lên non đó là thầy giáo Rơ Châm Chih.
Những đứa học trò của thầy đan cái gùi rất khéo, bẻ đọt măng rất giỏi nhưng viết chữ xấu quá. Nhiều buổi tối thầy gọi mấy đứa đến ngồi bên... |
tgcc |
Những ngày đầu mới thành lập cụm trường làng Dip, thầy phải mất một ngày đường để vượt 30 cây số từ nhà đến trường. Khi đi trên tay phải cầm dao để phát cỏ tìm đường và đề phòng thú dữ. Không có đường nên dù có xe máy, xe đạp cũng chỉ có thể đi bộ để đến trường. Thầy ở lại cùng với dân làng. Những bữa cơm đạm bạc với lá mì, lá mướp, cà đắng, búp măng… là cả tấm chân tình của người làng nơi đây đối với người thầy dạy cho con họ cái chữ.
Những đứa học trò của thầy đan cái gùi rất khéo, bẻ đọt măng rất giỏi nhưng viết chữ xấu quá. Nhiều buổi tối thầy gọi mấy đứa đến ngồi bên. Thầy đặt đôi bàn tay của thầy lên đôi bàn tay bé nhỏ nhưng đã sớm chai sần của lũ học trò. Thầy cầm tay nhẹ nhàng viết từng nét thẳng, nét nghiêng. Rồi cũng nhẹ nhàng thả ra đến khi chữ O đã tròn, chữ Ô đã có dấu mũ mới thở phào nhẹ nhõm. Ngày ấy, trường khó khăn không có những quyển vở in mẫu chữ như bây giờ. Đêm nào cũng vậy, bên ánh đèn dầu, thầy nắn nót viết từng chữ mẫu bằng nét bút chì mờ mờ để sáng mai học trò đồ lại cho quen nét chữ. Thầy nói, khổ nhất là những ngày đầu các em mới bước chân vào lớp 1. Lạ thầy, lạ trường nên nhiều đứa khóc gọi mẹ. Nhiều lúc, giờ ra chơi thầy phải đi tìm học trò: đứa trốn vào bụi cây, đứa leo tít lên ngọn cây cao, có đứa chạy cả lên nương tìm mẹ…Thầy nói vui, ngày nào đến lớp cũng phải đếm học sinh xem có bị thiếu đứa nào không.
Rồi ngày mùa, học sinh bỏ học. Mùa đót, mùa mì, mùa lúa… lớp học của thầy cứ thưa thớt dần. Những đứa trẻ lớn lên từ đói nghèo ấy đã sớm biết tảo tần, biết cầm cái cuốc lên nương, bẻ đọt măng, bẻ cây đót đỡ đần cha mẹ. Cùng là người dân tộc Ja Rai như các em, thầy rất hiểu và thương các em. Nhưng là một thầy giáo, thầy không thể để các em bỏ học. Tối tối, cùng với chiếc đèn pin nhỏ, thầy đi vận động các em đến trường.
Và bây giờ
Lớp học đã khang trang hơn ngày trước rất nhiều. Năm 2004, công trình thủy điện Sê San được xây dựng cùng với đó là con đường nhựa trải dài hơn 30km từ thị trấn Yaly vào đến trường. Biết bao người làng đã rưng rưng nước mắt khi thấy những đứa trẻ được nô đùa trên con đường nhựa mới làm. Và vui hơn nữa là điện, điện đã về làng, thắp sáng bản làng và đem ánh sáng văn minh lại cho buôn làng quê hương.
Mười chín năm đủ để thấy một sự gắn bó không gì chia cắt được, thầy thuộc từng tên đất, tên làng và nhớ mặt tất cả những người trong làng. Những trang vở đầu còn nguệch ngoạc của học trò đã được thay bằng những trang viết đẹp hơn. Những đứa trẻ đã quen dần với những con chữ, con số quen với nụ cười hiền từ đầy thân thương của thầy trên bục giảng. Và quan trọng hơn, các em rất thích đến trường.
Thầy Chih đã già “màu thời gian vương tóc thầy bạc trắng”. Mười chín năm làm thay đổi nhiều thứ nhưng thầy vẫn vậy, vẫn là người lái đò tận tụy với đàn em thơ. Hằng ngày, vẫn vượt 30 cây số đưa chữ lên non. Mười chín năm, nhiều cơ hội để thầy rời xa làng Dip, có được công việc gần nhà hơn nhưng thầy đã xin ở lại. Thầy nói: Đi xa nhớ cái làng, cái bản này lắm. Cái bụng không ưng?
Ghé thăm lớp học của thầy vào một buổi sáng đầu thu bỗng nghe ngân vang tiếng hát – bài hát mà những người dân tộc Ja Rai nơi đây vẫn lưu truyền:
Con chữ Bác Hồ ta học hôm nay
Sẽ thay được con dao ta phát rẫy
Sẽ thay được cái gậy ta chọc nương
Sẽ thay được đôi vai ta gùi nặng
Sẽ đuổi đi con ma ốm, đói rét
Sẽ đuổi đi cái đói, cái nghèo…
Hi vọng rằng, thầy Chih sẽ luôn thủy chung với làng Dip, sẽ mãi mãi là người lái đò cần mẫn đưa lũ trẻ làng Dip cập bến tri thức và lớp học của thầy lúc nào cũng đông như vậy, luôn ngân vang tiếng hát về con chữ Bác Hồ.
* Tặng thầy giáo Rơ Châm Chih
Bình luận (0)