Muốn áp được giải pháp thẻ xanh, dữ liệu phải nhanh, chính xác

13/09/2021 05:50 GMT+7

Nhiều bạn đọc cho rằng khi tính đến việc áp thẻ xanh, thẻ vàng thì yếu tố công nghệ phải đặc biệt được quan tâm, nhằm đảm bảo chính xác, an toàn và tiện lợi cho dân.

Nhiều bạn đọc cho rằng khi tính đến việc áp thẻ xanh, thẻ vàng để kiểm soát giãn cách xã hội, từng bước phục hồi kinh tế sau ngày 15.9, thì yếu tố công nghệ phải đặc biệt được quan tâm, nhằm đảm bảo chính xác, an toàn và tiện lợi cho dân.
Như Thanh Niên đã thông tin, dựa trên số liều vắc xin mà một người dân được tiêm, sẽ có 2 cách phân loại: thẻ xanh cho người tiêm đủ 2 liều vắc xin Covid-19, thẻ vàng đối với người tiêm 1 mũi vắc xin. Hiểu nôm na rằng, thẻ xanh, thẻ vàng là chứng nhận điện tử dưới dạng mã QR - một công cụ được kỳ vọng sử dụng thống nhất để kiểm soát các thành phần dân cư trong quá trình mở cửa phục hồi kinh tế sau ngày 15.9 tại TP.HCM.

Ứng dụng VNEID dùng để khai báo y tế và di chuyển nội địa ra sao trong dịch Covid-19?

Nhanh chóng thống nhất phần mềm chung

Dù cho rằng đây là giải pháp công nghệ khả dụng trong bối cảnh hiện tại, nhưng nhiều bạn đọc (BĐ) vẫn còn băn khoăn ở chỗ đang có quá nhiều ứng dụng để biểu thị một người được tiêm 1 hay 2 mũi vắc xin. Trong khi đó, có ứng dụng đã cập nhật nhanh, đầy đủ đối với người được tiêm, nhưng cũng có ứng dụng chậm cập nhật, thậm chí chưa chính xác. Có người đã tiêm mũi 1 vài tuần, nhưng ứng dụng do đơn vị triển khai tiêm vắc xin hướng dẫn điền thông tin vẫn chưa cập nhật hiện trạng. Có người tiêm mũi 2 đã vài tuần, nhưng ứng dụng chỉ hiển thị mũi 1. Chưa hết, còn có ứng dụng trước đó có dữ liệu về mũi tiêm, nhưng thời gian sau bỗng dưng… biến mất, khiến nhiều người lo lắng khi thời điểm 15.9 đã cận kề. “Muốn phân loại được thẻ xanh, thẻ vàng, đòi hỏi dữ liệu phải có độ chính xác và tin cậy cao. Mỗi đợt tiêm vắc xin, ít cũng vài chục ngàn liều, nhiều lên tới 1 - 2 triệu liều, do vậy đây là khối lượng công việc rất lớn đối với việc nhập liệu. Không những vậy, hạ tầng mà đơn vị chủ quản triển khai ứng dụng cũng phải đảm bảo vận hành thông suốt. Như vậy mới đủ cơ sở để xác định một người mang thẻ vàng hay thẻ xanh một cách kịp thời”, BĐ Nguyễn An nêu.
“Mặc dù số người sử dụng thiết bị di động tại Việt Nam ở mức cao trong khu vực, nhưng việc thành thạo các thao tác trên ứng dụng thiết bị di động thông minh là một câu chuyện khác. Người dân sẽ rất nản nếu có quá nhiều phần mềm cập nhật tình trạng tiêm vắc xin. Do vậy, cơ quan chức năng cần thống nhất một phần mềm chuẩn cho người dân trên cả nước, để không gây thêm khó khăn cho người dùng, không buộc người dân phải khai lại thông tin. Một tổ công tác đặc biệt có đại diện của các bộ, ngành cần đứng ra làm đầu mối chủ trì một đề án kết nối dữ liệu mà người dân đã khai báo trước đó”, BĐ Trịnh Cương đề xuất.

Cho dân biết rõ trước khi thực hiện

Ngoài góp ý về “thiết bị đầu”, tức mã QR hiển thị trên thiết bị di động (hoặc hình thức in ra giấy, tin nhắn) của một người dân là thẻ xanh hay thẻ vàng khi ra đường, nhiều BĐ cũng lưu ý rằng “thiết bị cuối” - tức thiết bị đọc tại các chốt kiểm soát (nếu vẫn giữ hình thức lập chốt như hiện nay) cũng phải thực sự thuận tiện. Nhiều BĐ dẫn chứng, hình thức quét mã QR đối với những đối tượng được phép ra đường thời gian qua trong nội thành đã có nơi, có thời điểm xảy ra tình trạng ùn ứ tại các chốt kiểm soát.
“Khi cho nhiều đối tượng được ra đường hơn, việc kiểm soát sẽ không hề đơn giản như quy định chỉ cho một số đối tượng được ra đường hiện nay. Do vậy, cần nhanh chóng phân loại và công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng khu vực người có thẻ xanh, thẻ vàng được phép đi/đến”, BĐ Bích Hồ kiến nghị.
Còn theo BĐ Huỳnh Huy, nếu xét thấy giải pháp thẻ xanh, thẻ vàng sau thời điểm 15.9 là phù hợp, cần phải tuyên truyền, hướng dẫn bằng nhiều hình thức để người dân TP biết và thực hiện. “Rất chia sẻ với cơ quan chức năng về việc tìm ra giải pháp khả thi trong thời điểm hiện tại là chuyện không hề đơn giản, nhưng cần hạn chế thấp nhất gây khó khăn, lúng túng cho người dân khi thực hiện”, BĐ này chia sẻ thêm.

Sau 15.9, TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 chống Covid-19

Đến ngày 15.9 mà hệ thống điện tử vẫn chưa cập nhật hết thông tin người đã tiêm 1 hay 2 mũi thì phải làm sao để họ được ra đường? Một số có giấy xác nhận tiêm chủng có thể thay cho sổ sức khỏe điện tử nhưng nhiều người lại không có thì phải làm sao?...
Nhat Tam
Người nhiễm đã khỏi bệnh có giấy xuất viện nhưng chưa được tiêm vắc xin có được ra đường? Ngành y tế giải thích, người khỏi bệnh tự tạo ra nhiều kháng thể tương đương với hai mũi ngừa vắc xin, đợi 5 - 6 tháng sau mới tiêm. Cơ quan chức năng cũng nên công bố những người mới khỏi bệnh cần những giấy tờ gì để tiện đi lại làm ăn.
Phuc Nguyen
Nên quy định chung ai có thẻ xanh mới được ra đường. Quy định những nơi nào được phép hoạt động thì người có thẻ xanh được đến. Song song đó, kiểm tra đột xuất ai ra đường mà vi phạm thì phạt 50 triệu đồng. Những nơi được phép hoạt động nhưng cho những người không có thẻ xanh giao dịch thì buộc đóng cửa. Và quan trọng, tất cả phải thực hiện 5K.
N.Đ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.