'Muôn dặm sầu giăng' - một góc nhìn khác về chiến tranh

07/03/2021 11:00 GMT+7

Muôn dặm sầu giăng là tập sách mới nhất của nhà giáo , nhà văn Võ Diệu Thanh. Với tập biên khảo này, Võ Diệu Thanh phải tốn nhiều công sức, đi thực tế để thu thập thông tin, kết hợp giữa các tài liệu lịch sử với các nhân chứng ngoài đời thật.

Chính điều này đã làm cho Muôn dặm sầu giăng có sức thuyết phục với độc giả. Đặc biệt là những ai quan tâm đến nạn diệt chủng của Pol Pot ở biên giới Việt Nam nói chung và nhất là thảm sát kinh hoàng tại Ba Chúc, An Giang nói riêng.
Võ Diệu Thanh đã từng bước tìm ra câu trả lời chân xác nhất về đoàn quân Pol Pot và những người dân ở Ba Chúc. Vì sao người ở Ba Chúc lại bị thảm sát nhiều hơn so với những vùng biên giới khác? Nỗi đau thời hậu chiến?
Ở đất Ba Chúc này, ngay từ những ngày đầu quân Pol Pot tràn qua biên giới, cái chết và nỗi khổ đã ập lên đầu người dân nơi đây. Việc chạy giặc diễn ra như cơm bữa, từ những đứa trẻ con cũng phải thích nghi để có thể tồn tại. Những lời kể của các nhân chứng, họ còn đang sống hôm nay là một minh chứng hùng hồn về sự tàn khốc của chiến tranh.
Để tạo sự thuyết phục, cái nhìn đầy đủ, toàn diện về những vấn đề mà lâu nay người ta có thể chưa rõ hoặc chưa hiểu đầy đủ, khi viết cuốn sách biên khảo Muôn dặm sầu giăng, Võ Diệu Thanh đã gặp gỡ và ghi nhận rất nhiều những lời kể của các nhân vật đã từng trải qua những năm tháng bi thương đó. Họ là những người thuộc nhiều tầng lớp, nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi: chị Trần Thị Mỹ Trang, 52 tuổi, thợ hồ; chú Lê Văn Oanh, 71 tuổi, bộ đội phục viên; anh Lê Văn Thuận, 64 tuổi, buôn bán ở khóm Thanh Lương; anh Hoa Sĩ Hiền, 50 tuổi, nhà khoa học, nghiên cứu lai tạo giống lúa ở Tân Châu; ông Nguyễn Văn Quyền, 85 tuổi, nguyên Đội phó Huyện đội Bảy Núi; cô Nguyễn Thị Hai, 78 tuổi, làm rẫy; Nguyễn Văn Hưởng, 52 tuổi, thầu xây dựng ở Ba Chúc; chị ve chai chợ Cây Me (giấu tên), 58 tuổi; Trần Thị Chánh, 56 tuổi, nội trợ; Trương Thị Lan, 69 tuổi, nguyên Trưởng công an xã Vĩnh Hội Đông; Nguyễn Văn Nô, 70 tuổi, cư sĩ; Trương Phi Hổ, 65 tuổi, giáo viên đã nghỉ hưu; Trần Văn Triều, 55 tuổi, đánh cá ở Lương Phi; Mạc Văn Hoa, 69 tuổi, làm ruộng ở ấp Núi Nước; Lê Thị Chỉnh, 54 tuổi, buôn bán vật liệu xây dựng; cô Hai Phận; anh Út Hưởng; anh ở chùa Phi Lai; con gái cô Hai Chùa, anh Mười Thưởng; chú Út Nhu...
Qua những tài liệu lịch sử và lời kể của những nhân chứng ở Ba Chúc, những sự thật dần hé lộ và đó là câu trả lời đầy đủ nhất cho câu hỏi vì sao người dân Ba Chúc lại bị thảm sát nhiều. Bởi người dân nơi đây cam chịu mọi nhọc nhằn, nguy hiểm để giữ đất Ba Chúc, bám trụ ngôi đền thiêng của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Đạo được hình thành trên nền tảng lòng yêu nước của Đức Bổn Sư Ngô Lợi. Họ được giáo dục cách hành xử nhân, lễ, nghĩa, trí, tín; sống đời sống nhân hòa, lương thiện ngay từ lúc chào đời. Trước sự tàn khốc của nạn diệt chủng, người dân Ba Chúc vẫn kiên cường bám trụ, bởi họ nghĩ đến tương lai của bản thân qua tội, phước hiện tại.
Theo cách gọi của Võ Diệu Thanh thì những người theo đạo Hiếu Nghĩa ở Ba Chúc là những người duy lương tâm. Và họ không tin trên thế gian này có một cộng đồng vô cảm như Pol Pot đang tồn tại. Sau bao nhiêu nỗi sợ, sau bao nhiêu cái chết, người Ba Chúc ngỡ ngàng nhận ra một sự thật là mọi thành phần lương tâm dù ít hay nhiều đều bị chà đạp và tàn sát. Và khi lương tâm còn đang ngơ ngác mất hết quyền kiểm soát thì nỗi sợ liền chiếm lĩnh cục diện. Hàng loạt những cái chết được dự báo trước và những cái chết bất ngờ ập đến bởi một đội quân Pol Pot hùng hậu “khát máu”, vô cảm đang thực thi nhiệm vụ.
Sự tàn độc của Pol Pot được biểu hiện qua nhiều phương diện, sự việc, hành động cụ thể. “Nó vào làng thì sẽ không tha một ai, con nít bà già gì nó cũng giết, tật nguyền nó còn giết sớm để khỏi mất thời gian khi lùa đi”. “Ngoài Lạc Quới vô Ba Chúc có cái đường mương lạn vầy, không có nhiều nước, cây mọc hai bên che hết. Nó mò vô theo lòng kinh, vô xóm gặp ai bắn đó”. Anh Nguyễn Văn Ân kể lại: Lúc trước ngày nó chiếm Ba Chúc, bà con cũng có ai làm ăn gì được. Tối ngày cứ lo chạy giặc, đào hang, chuẩn bị lương khô. Rất nhiều, rất nhiều cái chết oan ức đã xảy ra dưới bàn tay của bọn chúng. Anh Tư Long ngậm ngùi: Không hiểu sao dòng họ nội ngoại từ má đến anh chị em tôi chết tới hai trăm người mà tôi chỉ nhớ mỗi cái chết của bác gái, một người không ruột thịt. Tôi nhớ như in dù sự việc diễn ra cách đây bốn mươi năm. Nó chĩa súng vào bác. Bác lạy nó. Mấy cậu ơi tha cho tôi, tôi là người dân chớ không phải giặc. Bác nói chưa hết câu, khi bác vừa bước chân lên kệ đá, nó bắn bác một phát súng, viên đạn xuyên qua đầu. Bác chúi đầu xuống bệ đá rồi chết trong tư thế đó, người quỳ...
Tội ác và những gì mà đội quân Pol Pot gây ra không sao có thể xóa nhòa. Vết thương lòng vẫn cứ âm ỉ cho người còn sống hôm nay vì những người đã nằm xuống. Thế nhưng, ở một góc nhìn khác, trong Muôn dặm sầu giăng, những người lính của đoàn quân Pol Pot cũng thật đáng thương. Họ cũng là con người, trong hoàn cảnh khốn cùng của chế độ họ đang sống hoặc phải đi làm "nhiệm vụ" hoặc là sẽ bị tận diệt tất cả những người thân của họ. Trong sự chọn lựa ấy, khi họ bước vào hàng ngũ này thì sẽ không còn nghĩ đến lương tâm. Vì ai có lương tâm sẽ bị giết. Chỉ còn sống để giết hoặc là chết. Theo lời kể của chú Năm Sơn, có những đứa trong đội quân Pol Pot khi bị bắt đã khai thật não nề. “Nó được lệnh của cấp trên chỉ đạo, hễ qua được bên đây, đánh lấy đất đai, lấy của cải mà sống, nếu không được, bị đuổi ở ngoài đồng ăn cỏ rác gì đó chớ không được về, về là giết cả nhà. Nên bằng mọi giá nó đánh, nó giết mình là vậy. Nó đánh thua thì nó sẽ không dám về, thà chết một mình, cả nhà nó không sao”. Những người lính trong đoàn quân Pol Pot cũng là những nạn nhân của một chế độ độc tài.
Nhà văn Võ Diệu Thanh có ý thức rõ ràng và sòng phẳng trong cái nhìn từ cả hai phía. Những trang viết của chị đầy trải nghiệm, suy tư về số phận và nhân cách con người, về cái đúng - cái sai, cái được - cái mất của một niềm tin.
Muôn dặm sầu giăng bên cạnh cái ác là cái thiện, bên cạnh sự hủy diệt là mầm sống tương lai đang nảy chồi, bên cạnh sự tàn bạo của chiến tranh là hàng vạn, hàng ngàn mối quan hệ tốt đẹp của con người. Bởi có những cảnh tàn sát, chém giết đẫm máu kia là do những cảnh ngộ, hoàn cảnh thúc ép buộc họ phải làm theo mệnh lệnh, làm như một cái máy mà không có con đường nào khác hơn.
Tập biên khảo Muôn dặm sầu giăng có giá trị trong việc phản ánh hiện thực, đặc biệt là hiện thực ở những nẻo khuất tối, nhập nhòe giữa thiện và ác, giữa chính và tà của một thời không dễ quên nguôi của dân tộc.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.