Muốn đi du lịch nước ngoài, vẫn phải chờ

24/11/2021 06:24 GMT+7

Nhiều nước đã mở cửa đón các chuyến bay thường lệ quốc tế và nới lỏng thủ tục nhập cảnh, cách ly cho du khách.

Việt Nam cũng đã bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế vào, nhưng ở chiều ngược lại, người Việt vẫn chưa thể đi du lịch nước ngoài vì “kẹt” chuyến về.

Đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên tới Phú Quốc hôm 20.11 sau gần 2 năm “đóng băng”

VJ

Nhu cầu lớn, nhưng đành “bó tay”

Khi đảo Phuket (Thái Lan) mở cửa đón khách quốc tế đã tiêm đủ liều vắc xin từ tháng 7, nhóm bạn của anh Thái Vũ (TP.HCM) lên kế hoạch tổ chức một chuyến du lịch cuối năm sang Thái, sau hơn 1 năm “bó gối” vì Covid-19. Cuối tháng 10, chính phủ Thái Lan thông báo cho phép người dân đến từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, đã tiêm chủng đầy đủ có thể nhập cảnh mà không cần cách ly, kế hoạch đi chơi của nhóm bạn trẻ càng gần hơn bao giờ hết. Chưa kể, không chỉ Phuket, đến nay về cơ bản, Thái Lan đã mở cửa du lịch quốc tế trên hầu hết lãnh thổ. Như vậy, chỉ cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin là có thể qua Thái du lịch.

“Hào hứng lên kế hoạch rồi đến lúc tìm hiểu mua vé mới thấy hóa ra không phải. Đại lý thông báo giờ các hãng chỉ có chuyến bay chiều đi, không bán vé chiều về. Tất cả các chuyến bay quốc tế chiều về đều là chuyến bay đặc biệt, chuyến bay giải cứu hoặc hồi hương, phải đăng ký qua đại sứ quán để được đưa tên vào danh sách. Thế là thôi, tiêu luôn chuyến đi”, anh Vũ kể.

Không chỉ cá nhân, các doanh nghiệp (DN) du lịch đến nay cũng chưa có cơ chế xây dựng tour đưa khách ra nước ngoài du lịch. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing và CNTT Công ty TST Tourist, cho biết đối với các DN lữ hành khai thác thị trường quốc tế, mảng outbound (đưa khách Việt ra nước ngoài du lịch) chiếm tỷ lệ doanh thu khá lớn, khoảng 60 - 70%. Thế nhưng đã gần 2 năm qua, mảng dịch vụ này “đóng băng” hoàn toàn. Đến nay, khi chủ trương mở cửa du lịch quốc tế đang được đẩy mạnh, rất nhiều nước như Thái Lan, Singapore, Mỹ… cũng đã mở rộng cửa đón khách, nhưng ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa tính tới chuyện mở lại thị trường outbound. Mở cửa du lịch quốc tế hiện chỉ nhắm tới việc thí điểm đón khách tới Việt Nam và bó hẹp trong phạm vi 5 tỉnh, thành được duyệt chủ trương thí điểm. Trong khi đó, nhu cầu của khách khá lớn và đa dạng.

“Đã có khá nhiều khách liên hệ tới TST Tourist đăng ký làm thủ tục xin visa đi Nhật và Mỹ. Nhu cầu du lịch tới 2 thị trường này hiện khá lớn, nhưng DN cũng chỉ có thể hỗ trợ phần visa, kế hoạch đưa khách đi chưa lên được vì hiện chưa có chủ trương, chưa có đường bay về. Ở chiều ngược lại, nhiều khách lẻ từ Singapore gọi điện hỏi chúng tôi có tổ chức tour cho họ đi Việt Nam du lịch được không nhưng hiện tại cũng “bó tay” vì giờ chỉ có tour charter, không phục vụ được các nhóm khách lẻ. Chưa kể, có một số đối tượng du khách tới Việt Nam du lịch theo tour trọn gói rồi có nhu cầu đi thêm nước thứ 3 thì cũng chưa có phương án giải quyết”, ông Mẫn dẫn chứng.

Theo ông Mẫn, trong khu vực hiện nay có Thái Lan và Singapore là 2 quốc gia tiêu biểu áp dụng mô hình thử nghiệm mở cửa du lịch. Trong đó, Thái Lan chủ trương mở cửa hút khách quốc tế vào, còn Singapore thì áp dụng mô hình thỏa thuận song phương với từng nước theo cách tiếp cận “hành lang du lịch vắc xin”, tạo nguồn khách đối lưu. Với tỷ lệ tiêm vắc xin rất cao của Việt Nam hiện nay, có thể rút kinh nghiệm, kết hợp cách làm của cả 2 quốc gia này - vừa tập trung mở rộng đón khách quốc tế vừa thí điểm mở tour đưa người Việt đi du lịch nước ngoài.

Bay đi đã mở, bay về vẫn “hẹp”

Thông tin từ Bộ GTVT, với các chuyến bay quốc tế thường lệ có vận chuyển hành khách đến Việt Nam (được sự cho phép nhập cảnh của các cơ quan có thẩm quyền) và đi từ Việt Nam, hiện chỉ có 19 hãng hàng không nước ngoài và 1 hãng hàng không trong nước (Vietnam Airlines) đang khai thác, với trung bình hơn 130 chuyến bay hằng tuần mỗi chiều. Tuy nhiên, ngay cả Vietnam Airlines hay Vietjet Air, Bamboo Airways, các chuyến bay chiều về chở khách nhập cảnh vào Việt Nam đều là các chuyến bay được cấp phép theo từng chuyến, dạng combo (hồi hương hoặc chở khách chuyên gia) hoặc thí điểm đón khách du lịch quốc tế.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết hiện những khách có thể bay về nhập cảnh vào Việt Nam thuộc 4 đối tượng: khách Việt hồi hương; khách về theo dạng combo; chuyến bay thử nghiệm đưa khách quốc tế vào Việt Nam; khách là chuyên gia nước ngoài. Tất cả các chuyến bay này đều được cấp phép theo từng chuyến, hành khách khi vào Việt Nam phải cách ly 7 ngày. Tuy nhiên, các điều kiện trên không đủ để các hãng hàng không Việt Nam khôi phục lại hoạt động chở khách quốc tế thường lệ và không đủ cạnh tranh với chính sách của các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore.

Thử nghiệm mở những tour song phương tới các nước an toàn

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing và CNTT Công ty TST Tourist, đề nghị: “Ngoài việc nhanh chóng mở cho TP.HCM đón khách quốc tế, mở thêm những đường bay quốc tế cho khách vào Việt Nam không cần cách ly, lãnh đạo ngành du lịch có thể tính toán thử nghiệm mở những tour song phương cho khách tới các nước an toàn. Đơn cử, Đà Nẵng đón khách Nhật Bản, Hàn Quốc thì cũng sẽ có tour cho khách Việt sang Nhật Bản, Hàn Quốc du lịch. Các DN, đối tác hai bên sẽ kết nối với nhau, tạo nguồn khách đối lưu, song phương hai chiều. Đây sẽ là những bước đệm rất tốt để ngành du lịch Việt Nam mở cửa đồng bộ tất cả các hoạt động du lịch vào đầu năm 2022 theo kế hoạch đã đề ra”.

Hãng này cũng kiến nghị với Chính phủ, không hạn chế đối tượng khách được bay vào Việt Nam, đơn giản hóa yêu cầu với hành khách trước chuyến bay. Đặc biệt, với các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam cần được cấp phép bay theo kế hoạch cho cả giai đoạn thay vì cấp phép từng chuyến như hiện nay.

Đồng thời, phân loại nhóm quốc gia như các nước đang làm, để xây dựng quy định cấp phép bay, cơ chế nhập cảnh cho phù hợp. Ví dụ khách đến từ các nước vùng “xanh”, không phải cách ly tập trung nếu đã hoàn thành tiêm chủng, kết quả xét nghiệm âm tính. Các nước vùng “cam” thì cách ly tại nhà hoặc khách sạn 7 ngày nếu đã có thẻ xanh.

Trên thực tế, mấu chốt của việc đón khách quốc tế trở lại hay khách Việt có thể bay đi bay về thoải mái..., nằm ở việc khôi phục lại đường bay quốc tế thường lệ. Tuy nhiên, bao giờ mở lại bay quốc tế thì vẫn phải chờ, vì báo cáo kiến nghị mở lại bay quốc tế thường lệ theo 3 giai đoạn (giai đoạn 1 từ quý 1/2022) của Bộ GTVT hiện vẫn đang chờ Chính phủ xem xét.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.