Muôn màu kịch Sài Gòn - Kỳ 7: Những sân khấu sống nhờ học trò

Hoàng Kim
Hoàng Kim
07/06/2020 06:55 GMT+7

Bên cạnh những sân khấu lâu năm, còn có những sân khấu mới thành lập 4 - 5 năm nay và hoạt động khiêm tốn. Tuy nhiên, những nơi đó vẫn tạo ra lực lượng diễn viên trẻ bền bỉ bám nghề đáng khâm phục.

Nghệ sĩ phiêu lưu làm bầu sân khấu

Có 3 sân khấu mà nghe tên “ông bà bầu” thì ai cũng biết danh, đó là sân khấu Quốc Thảo (Q.3), sân khấu Minh Nhí (Q.1), sân khấu Trịnh Kim Chi (Q.6). Quốc Thảo thuê mặt bằng tại Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật với khán phòng 150 ghế cộng với vài phòng khác làm nơi dạy học, tập tuồng. Minh Nhí thì thuê một căn nhà, biến thành quán cà phê không gian xinh xắn với một sân khấu nhỏ và 150 ghế ngồi. Còn sân khấu Trịnh Kim Chi đặt tại trung tâm văn hóa có khoảng 400 ghế. Còn một sân khấu khác mà NSND Hoàng Yến đang làm giám đốc là Nhà hát Thế Giới Trẻ. Nói cho rõ, Nhà hát Thế Giới Trẻ của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, nhưng khi Công ty Sài Gòn Phẳng bỏ vốn đầu tư sửa sang lại thì giao cho đạo diễn Ngọc Hùng quản lý, mặc nhiên trở thành “chủ”. Còn Giám đốc Hoàng Yến lại trở thành “khách”, muốn diễn thì phải thuê lại của Sài Gòn Phẳng. Nhìn chung, 4 sân khấu này hoạt động không rầm rộ như các sàn diễn khác nhưng họ vẫn bám trụ được qua từng ấy năm kể cũng đáng khâm phục.
Thực tế, Trịnh Kim Chi, Quốc Thảo, Minh Nhí đều là những nghệ sĩ nổi tiếng và họ có không ít show để chạy, mỗi năm xuất hiện trong rất nhiều phim hoặc game show, chẳng cần lo lắng gì nhiều. Vậy mà họ lại lao vào nghiệp làm bầu, tự gánh trên vai trách nhiệm nặng nề. Và Hoàng Yến là nghệ sĩ gạo cội chuyên diễn chính kịch, cũng tự bỏ tiền làm vở như một cuộc phiêu lưu. Nói họ phiêu lưu cũng không quá lời, vì nhìn địa thế của các sân khấu này nhiều người khá ngại ngần. Quận 6 là nơi người Hoa chiếm đa số, thì kịch là bộ môn không gần gũi chút nào. Sân khấu Quốc Thảo nằm trên con đường yên tĩnh lại khuất trong một tòa nhà phải đi qua mấy lớp hành lang mới tới nơi.
Quán cà phê của Minh Nhí cũng nằm trong khu vực yên tĩnh của đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sân khấu của Hoàng Yến thì không được diễn vào những ngày cuối tuần, chị phải xoay xở với các ngày diễn thắt ngặt, và phải chạy đi bán vé chứ phòng vé cũng thuộc về Sài Gòn Phẳng.
Và chính vì địa thế như vậy nên các sân khấu này chỉ dàn dựng những kịch bản với nội dung dễ xem. Trịnh Kim Chi nói: “Tôi từng dựng chính kịch, thấy không ăn, phải xoay qua kịch hài nhẹ nhàng”. Quốc Thảo cũng dựng kịch hài hoặc có chút triết lý cuộc đời, chút châm biếm thời cuộc như Chồng nhái, hoặc dựng kịch xã hội thật dễ thương và cảm động như Yêu ông thầy, Nắng chiều... Minh Nhí ngoài vở Tiếng vạc sành bi kịch sâu sắc, còn lại cũng đều dựng vở vui vui, nhẹ nhẹ. Chỉ đặc biệt Hoàng Yến không thể dựng kịch thị trường vì đó là sở đoản của chị. Chị toàn ra mắt những vở nặng ký như: Âm binh, Cát trắng như gạo, Yêu là thoát tội... tuy kén khán giả nhưng ai đã thích thì sẽ mê kiểu kịch này.

“Ông bà bầu” cũng là “nhà giáo”

Một thực tế giúp cho các sân khấu này dù bán ít vé nhưng vẫn cầm cự được mấy năm trời chính là mở lớp dạy nghề diễn viên. Minh Nhí từng đứng lớp cả chục năm ở Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, và Quốc Thảo cũng có kinh nghiệm nhiều năm dạy học các nơi, nên họ đủ uy tín chiêu sinh. Còn Trịnh Kim Chi thì uy tín về diễn xuất, giờ đứng lớp cũng khả quan và chị thừa khả năng mời thêm các giáo viên khác, vì vậy lớp học cũng đông đảo.
Riêng Hoàng Yến cũng nhờ học trò mà tồn tại, nhưng là học trò và sinh viên của các trường ủng hộ. Vở Yêu là thoát tội là những lát cắt đẹp trong cuộc đời Nguyễn Trãi và Thị Lộ, được các trường cho học sinh, sinh viên tới xem để học ngoại khóa môn văn - sử, tuy diễn lai rai vậy mà tính ra đã hàng chục nghìn vé.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.