Muộn, nhưng cần thiết !

Mạnh Cường
Mạnh Cường
20/01/2021 15:45 GMT+7

Không chỉ người dân Quảng Nam, nhiều địa phương khác ở miền Trung có trồng cây cao su vừa hứng chịu thiệt hại nặng sau bão lũ.

Trước thực trạng này, người dân lẫn chính quyền đang buộc phải gấp rút tìm hướng rẽ khác.
Huyện trung du miền núi Hiệp Đức được mệnh danh là thủ phủ “vàng trắng” của Quảng Nam. Theo quy hoạch, Quảng Nam có 50.000 ha đất trồng cây cao su, hiện mới phát triển được hơn 14.000 ha nhưng riêng Hiệp Đức đã chiếm đến 50% diện tích. Sau đợt mưa lũ vừa qua, nhiều hộ dân chuyên trồng cây cao su trên địa bàn H.Hiệp Đức lâm cảnh trắng tay khi gần 2.000 ha cây cao su đại điền và tiểu điền bị gãy đổ.
Trao đổi với PV, ông Lê Minh Hưng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, nói rằng có đến hơn 4.000 ha cây cao su của doanh nghiệp và người dân bị hư hỏng sau bão, tức chiếm gần 30% lượng cây cao su toàn tỉnh. Trước thiệt hại nặng nề này, ngành nông nghiệp đã có hướng để người dân chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp hơn nhằm hạn chế thiệt hại. Và Quảng Nam sẽ không trồng thêm cây cao su.
Ý định không phát triển thêm cây cao su, như lời ông Lê Minh Hưng, dường như đã quá muộn. Bởi, trước khi có phong trào trồng cây cao su ở khu vực miền Trung, nhiều ý kiến của các chuyên gia đã cảnh báo về việc không phù hợp, bởi lẽ miền Trung là nơi “đón” nhiều cơn bão mỗi năm. Cây cao su lại mọc cao, không thể có độ bám và sức chịu đựng trước bão dữ. Điều này cũng đã chứng minh rất rõ khi những năm gần đây, cây cao su liên tục ngã đổ vì mưa bão, hoặc phát triển chậm vì thổ nhưỡng không phù hợp. Chưa kể, mủ cao su bị rớt giá thê thảm, không ít nông dân rơi vào cảnh trắng tay.
Khi niềm tin vào loại cây mang lại nguồn thu lớn không còn nữa, cũng là lúc nông dân phải tìm hướng rẽ mới. Việc người dân lẫn chính quyền quyết tâm “né” cây cao su cho thấy họ đã nhận ra việc trồng cây cao su là không phù hợp. Quyết định này, dù muộn nhưng cần thiết, và nó cũng là bài học trong việc chuyển đổi cây trồng sắp tới, rằng phải hài hòa với thiên nhiên, phù hợp với điều kiện kinh tế, thổ nhưỡng của từng địa phương…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.