Mấy tuần nay, dư luận dậy sóng bởi dự thảo của Bộ Y tế “Cấm bán rượu bia sau 22 giờ”. Thiên hạ bàn tán hà rầm, cả phe ủng hộ lẫn phe phản đối. Định giữ thái độ “im lặng là vàng” vì nói hòai cũng vậy nhưng thấy nhiều điều tréo ngoe, chịu trời không thấu nên công dân tôi đành phải lên tiếng.
|
Bộ Y tế có nhiều chuyện cấp bách gấp trăm lần hơn việc dự thảo kiểu “đùng một cái - cấm….”. Từ chuyện “trẻ tử vong do tiêm vacxin”, “tai biến chết người trong điều trị” đến chuyện “y đức”, “phong bì bệnh viện”…Toàn chuyện “nước sôi lửa bỏng” mà Bộ Y tế cứ đủng đỉnh.
Còn cái luật mới này, mới chỉ dự thảo thôi đã lộ ngay tử huyệt “không khả thi”, được chuẩn bị hết sức chủ quan bởi các quan chức phòng lạnh. Trước hết, tự thân rượu bia không gây thảm họa. Chỉ có con người dùng rượu bia quá liều mới gây thảm họa mà thôi. Thiên hạ chỉ chống bia rượu quá liều chứ không cấm theo giờ. Rượu bia chỉ cấm và cấm có hiệu quả ở các nước theo đạo Hồi, bởi đó là điều luật của tôn giáo.
Trong buổi họp báo ngày 23.7 của Bộ Y tế, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Thị Trang cho biết: “Đã có 168 quốc gia cấm uống rượu bia theo giờ, riêng Asean có 9 nước”. Không hiểu số liệu này từ đâu ra? Indonesia, Malaysia, Brunei khỏi nói vì theo đạo Hồi. Singapore bán rượu bia giá cực đắt để hạn chế. Các nước Thái Lan, Philippines, Campuchia, Lào, Việt Nam chưa cấm thì lấy đâu ra 9 nước ở Asean? Nếu nói các nước trên cấm (thật ra là không, vì họ rất ít dùng từ cấm) bán rượu bia cho trẻ vị thành niên thì còn tin được?
Dự thảo giao việc thực hiện cho quản lý thị trường, UBND các cấp và thanh tra chuyên ngành. Nghe nói là lùng bùng lỗ tai. Lại thêm ban bệ và đùn đẩy trách nhiệm tập thể, một căn bệnh nan y chưa có thuốc chữa. Việc đơn giản, hợp lý và thiên hạ đã làm nghiêm túc từ lâu là “không bán rượu bia cho trẻ vị thành niên” nhưng ở ta vẫn chưa thực hiện được. Hay là chỉ ban hành cho có, để được tiếng với dư luận và thiên hạ?
Việt Nam có hàng mấy chục văn bản pháp luật “tồn kho” kiểu đó, ban hành mà không thể thi hành. Buồn cười nhất là lý sự kiểu “cấm từ 22 giờ trở đi vì tai nạn giao thông xảy ra nhiều từ 18 - 24 giờ”. Thế sao không cấm luôn từ 18 giờ? Dân nhậu kháo nhau: “Chỉ cấm bán chứ chưa cấm uống”. Vậy hãy cứ mua trữ trước, để dành uống dần. Mà nếu có cấm cả bán lẫn uống sau 22 giờ thì sẽ cố uống bù trước đó. Đừng “lo bò trắng răng”.
Thiên hạ chỉ cấm hút thuốc lá chứ không ai cấm rượu bia. Thực chất, rượu bia là loại “thuốc” kích thích tiêu hóa rất tốt. Thuốc phải uống đúng liều theo chỉ định của bác sĩ. Quá liều là nguy hiểm, có thể chết người. Rượu bia cũng vậy. Cái gì quá cũng hại. Nước tinh khiết, cứ tưởng vô hại mà uống nhiều còn say suýt chết nữa là rượu. Ai chưa tin cứ nốc thử cùng lúc 2 lít nước, xem cảm giác say nước ra sao. Đảm bảo nhớ đời.
Nếu rượu bia là hàng nguy hiểm, cớ gì Nhà nước cho lập nhà máy sản xuất hà rầm. Các công ty rượu bia còn tài trợ cho bao nhiêu chương trình xã hội. Nên nhớ, Việt Nam là cường quốc thế giới về tiêu thụ rượu bia. Dĩ nhiên là nguồn thuế thu từ rượu bia cũng rất đáng nể.
Từ bao năm nay, nhà máy bia Sài Gòn (Sabeco) luôn là nguồn thu dẫn đầu các doanh nghiệp của thành phố. Dân nhậu còn có slogan “uống bia rượu là yêu nước” vì góp phần tăng ngân sách cho nhà nước. Từ 2005 - 2013, sản lượng Sabeco tăng gấp 9 lần. Từ 148,5 triệu lít lên 1,33 tỉ lít. Nghĩa là năm nào cũng tăng 100%. Tuy nhiên, nếu hạch toán đầu đủ, các quốc gia cho kinh doanh bia rượu tự do như Việt Nam sẽ 'lỗ toàn tập', càng bán nhiều càng lỗ lớn. Bởi thuế thu từ bia rượu không thể bù đắp được những hệ lụy từ nạn bia rượu thả giàn. Từ tai nạn giao thông đến các tệ nạn xã hội. Từ giá trị đạo đức đến sức khỏe giống nòi. Không có gì là không thể, nếu có rượu bia châm ngòi. Chỉ có chủ các hãng bia rượu và những người làm giàu trên hậu quả rượu bia là có lời.
Năm 1925, trong “Bản án chế độ thực dân Pháp”, ông Nguyễn Ái Quốc kết tội người Pháp dùng rượu (thời đó bia rất hiếm) đầu độc dân Việt. Người Pháp khuyến khích dân thuộc địa nấu, bán mua và uống rượu thoải mái. Ngày nay, Pháp đã rút về nước từ đời tám hoánh, “quê hương sạch bóng quân thù” từ gần nửa thế kỷ nhưng người Việt đang tự đầu độc mình gấp mấy lần thực dân Pháp.
Có dịp lên Việt Bắc hoặc Tây Nguyên mới thấy nạn uống rượu đáng sợ thế nào. Cả phụ nữ và trẻ em cũng uống, 'chơi' toàn can nhựa và uống bằng chén (bát) tổ chảng. Hậu quả là người đét lại vì rượu. Gần thế kỷ nay, chiều cao các dân tộc miền núi gần như không thay đổi. Không cần về quê, mà ở ngay thành phố, cánh mày râu, ai không nhậu là hàng hiếm, hàng độc. Nhậu, không chỉ là trào lưu nhất thời mà còn là nét văn hóa phổ biến. Ai không nhậu mới không bình thường.
Chừng nào người Việt còn xem rượu bia là đẳng cấp, từ tửu lượng cho tới giá cả. Chừng nào các dịp hội họp, liên hoan, tiếp khách…vẫn còn rượu bia thả giàn thì đừng bàn đến chuyện hạn chế chứ nói gì đến cấm. Cấm là cấm cho vui cả làng thôi. Hình như ở Việt Nam, hễ cái gì khó quản là cấm. Thậm chí càng cấm càng kích thích.
Muốn làm gì hiệu quả, không thể “đùng một cái” ra vài nghị định, thông tư cấm là được. Phải có lộ trình, được nhân dân đồng thuận. Quan trọng nhất là nhà nước phải nêu gương. Cứ như hiện nay, đến 1.000 Bộ Y tế cũng không xoay chuyển nổi nữa là chỉ có 1 bộ.
Hạn chế rượu bia tốt nhất là tăng thuế thật cao, xử lý nghiêm minh các vi phạm. Singapore họ đã làm rất tốt, góp phần đưa đảo quốc diện tích chưa bằng 1/3 Sài Gòn vươn lên thành cường quốc dịch vụ, được cả thế giới kính nể chỉ trong vòng 50 năm. Trước mắt thử làm thật tốt việc “không bán rượu bia cho trẻ vị thành niên” rồi hãy tính những việc xa hơn. Xin mời các quan chức rời phòng lạnh, "vi hành" với mọi tầng lớp nhân dân, để khi làm luật, dù là dự thảo, bớt viển vông, tốn hao giấy mực và công sức, tiền bạc của xã hội.
Vũ Linh Phương*
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân ngành du lịch tại TP.HCM
>> Tại sao chỉ cấm bán rượu bia từ sau 22 giờ?
>> TP.HCM tiếp tục đề xuất cấm bán rượu, bia sau 23 giờ
>> Cấm bán rượu bia ở trạm dừng, bến xe: Quy định khó khả thi
>> Nhiều cửa hàng bán rượu ngoại nhập lậu
Bình luận (0)