Muốn trẻ không văng tục, người lớn phải làm gương

21/09/2022 06:19 GMT+7

Rất nhiều bạn đọc bức xúc trước việc nhiều học sinh nói tục, chửi thề, xài tiếng lóng... tràn lan, đề nghị gia đình, nhà trường và xã hội có nhiều biện pháp hữu hiệu để xóa nạn nói tục, chửi thề.

Có mặt trong một tiệm trà sữa trong khu dân cư lô K, đường Hưng Phú, P.9, Q.8, TP.HCM, PV Thanh Niên nghe được đoạn nói chuyện của hai cô bé học lớp 6 mặc đồng phục của một trường THCS gần đó. Bạn A cập nhật cho bạn B về một vụ đánh nhau ở ngoài trường học mới diễn ra, B liên tục “tán thưởng” bằng những từ ngữ tục tĩu.

Giờ tan trường ngày 14.9, bên những xe nem rán, nước ngọt trên đường Ba Đình, P.8, Q.8, TP.HCM, PV gặp từng tốp học sinh (HS) vào mua đồ ăn, trêu chọc nhau trước cổng trường. Một nữ sinh vừa chạy theo một bạn nam vừa nói: “Má mày”, “Mày đừng động vào tao nghe chưa, tao đập chết má mày bây giờ”…

Vì sao HS nói tục chửi thề nhiều như vậy? PV trò chuyện với một nhóm nữ sinh trong quán trà sữa trên đường Phan Văn Trị, P.2, Q.5 và được nghe những câu trả lời từ các em. Một HS lớp 10, mang đồng phục của một trường THCS-THPT trên địa bàn Q.5, nói: “Chơi với bạn thì đầu tiên một bạn nói, sau đó tụi con cũng bắt chước rồi cứ lan truyền cho nhau. Kiểu như lây nhau vậy. Nhưng mà nói xong mọi người đều thấy vui vẻ, thoải mái”.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM thở dài kể với PV: “Phụ huynh còn cãi lộn nhau, nói bậy tùm lum ngoài cổng trường, trước mặt con cái thì bảo sao tụi trẻ bây giờ không bắt chước. Có phụ huynh còn la lối cả thầy cô”.

“Choáng” với văng tục tràn lan

“Hiện tượng văng tục, chửi thề này có lẽ rất phổ biến ở hầu hết các trường học. Thử làm khảo sát sẽ thấy rõ, nhất là vào những lúc HS tụ tập ăn uống, vui chơi trước cổng trường, chúng “xả ra” những từ ngữ thô tục rất khó nghe (Bản thân tôi đã đi đón con và đã chứng kiến). Nên chăng ngành giáo dục cần chấn chỉnh nhằm làm trong sạch hóa môi trường học tập, để các em thực sự là những trò ngoan, học tốt và biết ứng xử có văn hóa”, bạn đọc (BĐ) Tu Anh bức xúc phản ánh.

Cùng ý kiến, BĐ Đại kể: “Tôi đứng trước cổng trường cao đẳng V., mấy nữ sinh bước ra là nói tục... khiến tôi vừa choáng váng vừa ớn lạnh”. BĐ Nề Nẫu phản ảnh: “Tôi đưa con đi ăn cơm ở quán, ngồi gần bên là 5 cậu học trò THPT. Chúng nói tục như... ăn cơm. Tôi quay ra nhắc nhẹ: Có con nít kế bên, mấy đứa nói năng giữ miệng một chút. Chúng xin lỗi rất lễ phép nhưng... 3 phút sau lại tiếp tục nói tục”.

Tài khoản bandoc20…@gmail.com bức xúc: “Người lớn chắc không để ý, các idol streamer trên mạng xã hội mà rất đông bạn trẻ follow theo dõi thường xuyên, họ nói tục, chửi bậy rất ghê, nhưng không hiểu sao vẫn được giới thiệu, lăng xê. Hậu quả là idol thì ngày càng nổi tiếng, giàu có, còn nhiều người trẻ thì...”.

Làm sao để học sinh không nói tục, chửi thề?

Đây là mong mỏi của rất nhiều phụ huynh và nhà trường. BĐ Huỳnh Đức Á cho rằng: “Giáo dục trẻ phải kết hợp từ ba phía: gia đình - nhà trường - xã hội. Ở nhà và nhà trường thì ngoan, không dám chửi thề, nói tục... nhưng khi ra đường thì đủ thứ ngôn ngữ, và các em không thể “thua kém” bạn bè?”, đồng thời gợi ý: “Nếu ở những quán bán hàng nhất loạt ghi “Không bán hàng cho khách chửi thề, nói tục”... xem thử có em nào dám nói tục không? Đây cũng là một cách giáo dục từ xã hội?”.

BĐ Hà Nguyễn thẳng thắn: “Muốn trẻ thôi nói tục, chửi thề thì cha mẹ, thầy cô, cán bộ, công chức phải làm gương. Hình ảnh hằng ngày “đập” vào đầu óc trẻ, làm sao trẻ không bị ảnh hưởng?”. BĐ Tam Nguyenthi đồng tình và cho rằng: “Một số người lớn là những người nổi tiếng lên mạng chửi tục, nói tục làm gương xấu cho HS. Muốn trẻ không nói tục, chửi thề, trước tiên người lớn phải nêu gương không nói tục, chửi thề”.

BĐ Xuyên bức xúc: “Cẩn thận, ở nhà cha mẹ văng tục, ra đường người lớn cũng vậy, thì các cháu cũng như vậy”.

BĐ Sophia Ng cho rằng: “Phải tạo thành một phong trào, ít nhất trong cộng đồng mạng để đẩy lùi vấn nạn nói tục, chửi thề”. BĐ Mai Nguyễn đề nghị: “Các trường học hiện nay đều có dạy kỹ năng sống, cần đưa các chuyện này vào dạy cho HS, để HS biết nói không với cái xấu”.

* Môi trường xã hội rất quan trọng trong việc giáo dục con người.

Chi Phanthe

* Giờ lên mạng xã hội thì chuyện văng tục đã trở nên bình thường. Ngay cả nhiều facebooker nổi tiếng khi viết status còn đệm vào như thể mình có quyền.

Dinh Huynh

* Không những nói tục mà việc nhiều thanh thiếu niên tụ tập hút thuốc hoặc sử dụng rượu bia khi chưa đủ tuổi cũng nên được quan tâm.

quochuytran6330

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.