Chúng tôi vượt qua một con đường đất đỏ, nhỏ, sụt lún, cây cối chằng chịt, hai bên đường rải rác vài ba ngôi nhà, để đến trang trại của anh May ở vùng quê nghèo xã Quảng Thái, H.Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. Ngôi nhà của anh tương đối khang trang, nằm giữa động cát khô cằn. Anh vừa treo lại mấy bịch nấm vừa nói: “Đường như rứa là dễ đi rồi đó. Cách đây 10 năm, khi tôi chân ướt chân ráo vào đây, phải đi bộ mấy cây số giữa động cát đến bỏng chân. Đường sá không có, đèn điện cũng không”.
|
Anh May kể, đi vào Nam làm không dễ mà thoát nghèo được, bám vào mấy sào ruộng càng khốn khó, anh bỏ xóm làng vào động cát này làm trang trại từ năm 2001. Thấy vùng này heo hút quá nên ban đầu, ba mẹ anh có phần ngăn cản. Nhưng quê nghèo, nghề không có nên anh quyết tâm đi làm trang trại. Vốn liếng không là bao, chỉ lấy ngắn nuôi dài rồi phát triển dần dần. Ban đầu, vợ chồng anh làm đủ thứ, từ nuôi gà, vịt, lợn đến trồng rừng, hoa màu, đào ao thả cá… Hai vợ chồng đầu tắt mặt tối suốt ngày vẫn không khá được. “Bao nhiêu vốn liếng, vợ chồng tôi đổ vào chăn nuôi hết. Mấy năm đầu, tưởng chừng phá sản vì chăn nuôi thì dịch bệnh, hoa màu thì chết hết vì rét đậm rét hại. Vợ chồng đôi khi cũng nản nhưng lại động viên nhau tìm cách khác”, chị Lê Thị Bé, vợ anh May, cho biết.
|
Xem ti vi thấy nhiều người thành công với trang trại nấm sò (tên gọi khác là nấm tuyết hay nấm bào ngư), anh đã nhen nhóm ý định trồng nấm. Nhưng vợ chồng anh vẫn chưa thực hiện được vì còn quá mù mờ về kỹ thuật. “May mắn là năm 2005, Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền có đợt tập huấn trồng nấm sò ở Hà Nội. Tôi đăng ký đi học. Sau đó mua sách vở về mày mò nghiên cứu thêm rồi làm cái trại nấm này”, anh May kể.
Anh May cho biết thêm, vốn liếng ít nên ban đầu anh chỉ làm được 300 bịch nấm. Sau đó, thấy hiệu quả nên anh mở rộng dần dần. Đến nay, trại nấm của anh đã có thường xuyên 3.000 bịch nấm. Đến mùa thu hoạch lúa, anh đi mua rơm trong làng về phơi rồi tấp thành đống để có nguyên liệu làm nấm cả năm. Hiện nay, mỗi ngày anh thu từ 1- 1,5 tạ nấm. Thu nhập bình quân một năm hơn 100 triệu đồng. “Trồng nấm thì tương đối dễ nếu mình nắm được kỹ thuật. Ở đây vì thời tiết thất thường lại là vùng cát khô cằn nên mình phải ổn định độ pH cho nó. Chỉ cần sơ suất một chút là thối cả mẻ. Ngoài ra, nấm thường có giá cao vào những ngày rằm nên mình phải canh làm sao cho nó ra đúng ngày này để thu hoạch thì hiệu quả sẽ cao hơn”, anh May chia sẻ.
Hằng ngày, vào sáng sớm, anh May cùng vợ thu hoạch nấm, sau đó, anh chạy xe máy hơn 45 km, chở nấm từ trang trại vào TP.Huế để bỏ cho mấy đại lý. Để tăng thêm thu nhập, vợ chồng anh thả thêm 1.000 con gà kiến và đào thêm 2 ao cá. “Sau khi thu hoạch hết đợt nấm này, bán thêm đàn gà, tôi sẽ xây dựng lại trại nấm. Mở rộng trại vừa hạn chế dịch bệnh vừa tăng số lượng bịch nấm. Muốn giàu thì phải liều mà làm thôi. Ban đầu thì mình phải lấy công làm lãi rồi từ từ tích tiểu thành đại. Vốn liếng ít thì dần dần mà đi lên, chứ đâu có ai một sớm một chiều mà khá giả được”, anh May cười nói.
Tuyết Khoa
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 20: Trồng thử, giàu thật
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 19: Lập nghiệp nhờ... đất mượn
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 18: Trồng gừng trong bao
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 17: Trồng chuối thu tiền tỉ mỗi năm
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 16: Trồng hoa giống lạ
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 15: Triệu phú gà tây
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 14: Thuần dưỡng gà rừng
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 12: Làm giàu từ chồn nhung đen
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 13: Đi lên từ nước đá
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 11: Làm giàu từ bần
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 10: Liên kết nuôi thỏ
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 9: Hốt bạc nhờ hàng “độc”
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 8: Lò nung vôi không khói
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 7: "Vua" đặc sản từ 8,5 triệu đồng
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 6: Làm đồ ăn chay
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 5: Nuôi cá xứ lạnh
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 4: Nuôi chim trĩ
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 3: Làm giàu nhờ vỏ trấu
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 2: Nuôi chồn hương
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ
Bình luận (0)