Phái đoàn Mỹ dẫn đầu là Cố vấn Trung Đông của Nhà Trắng Brett McGurk và Đặc phái viên về Iran Abram Paley. Phía Iran có đại diện là Thứ trưởng Ngoại giao Ali Bagheri, người cũng là nhà thương thuyết hàng đầu trong các cuộc đàm phán hạt nhân, và đây cũng là vấn đề được đề cập trong cuộc đối thoại.
Theo Financial Times, các phái đoàn đã không gặp mặt trực tiếp và quan chức Oman đứng ra làm trung gian giữa các bên trong các cuộc đàm phán.
Các cuộc đàm phán là dấu hiệu cho thấy nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc sử dụng các kênh ngoại giao, cùng với các mối đe dọa quân sự, nhằm giảm bớt các hành động gây hấn trong khu vực, vốn đã gia tăng đáng kể kể từ khi cuộc xung đột Israel-Hamas bắt đầu.
Một nguồn tin nói với Financial Times rằng các quan chức Mỹ coi kênh thảo luận gián tiếp với Iran là một phương pháp để nêu ra nhiều mối đe dọa khác nhau, bao gồm một thông điệp về những gì Iran nên làm để ngăn chặn một cuộc xung đột rộng hơn.
Một vòng đàm phán khác dự kiến được tổ chức vào tháng 2 nhưng đã bị hoãn lại khi người Mỹ có ý định liên kết nó với hoạt động hòa giải giữa Israel và Hamas.
Một quan chức Iran nói với Financial Times rằng Tehran chỉ có ảnh hưởng hạn chế đối với lực lượng Houthi tại Yemen và không thể ra lệnh cho lực lượng này, dù vẫn có thể có các cuộc đối thoại với Houthi.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy Tehran đang cố gắng giảm căng thẳng với Washington sau khi 3 quân nhân Mỹ thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần biên giới Jordan với Syria vào cuối tháng 1.
Iran đã rút một số chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo khỏi khu vực và kể từ ngày 4.2, không có cuộc tấn công nào vào các căn cứ có quân đội Mỹ ở Iraq hoặc Syria. Các quan chức Mỹ cũng lưu ý rằng Iran dường như đang nỗ lực kiềm chế lực lượng dân quân người Shiite ở Iraq.
Các bên liên quan chưa bình luận về thông tin bí mật đàm phán.
Bình luận (0)