Trong một sự chuyển biến mạnh mẽ về chính sách đối với CHDCND Triều Tiên, biện pháp sử dụng vũ lực đã được đưa vào trong các phương án chiến lược của Nhà Trắng nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng, theo tờ The Wall Street Journal ngày 1.3.
Để ngỏ mọi phương án
Việc rà soát chiến lược ứng phó Triều Tiên được khởi động sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên là “mối đe dọa trước mắt lớn nhất” đối với Mỹ. “Bình Nhưỡng vừa tuyên bố nước này đang trong giai đoạn cuối cùng của quá trình phát triển vũ khí hạt nhân có khả năng đặt một phần lãnh thổ Mỹ vào tầm ngắm. Điều đó sẽ không xảy ra”, ông Trump viết một cách đầy ẩn ý trên Twitter vào tháng 1.
Vài tuần sau đó, vào ngày 12.2, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo Pukguksong-2 ở gần thành phố miền tây Kusong. Tên lửa bay về hướng đông khoảng 500 km trước khi đâm xuống vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.
Tất cả những diễn biến trên có thể thúc đẩy sự chuyển biến trong chính sách thận trọng lâu nay của Washington, nhất là vào thời điểm Nhà Trắng vừa đón nhà lãnh đạo mới. Theo tờ The Wall Street Journal, Phó cố vấn an ninh quốc gia K.T.McFarland đã tham vấn với các quan chức khác trước một loạt hành động khiêu khích mới đây từ Triều Tiên.
Trong cuộc họp cách đây khoảng 2 tuần, họ đã thảo luận về khả năng triển khai kế hoạch “phi truyền thống”. Theo đó, bà McFarland yêu cầu phải để ngỏ mọi phương án trong nỗ lực tiến hành cuộc cải tổ triệt để về chính sách của Mỹ đối với Bình Nhưỡng, bao gồm việc Mỹ công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân lẫn khả năng xung đột quân sự trực tiếp.
|
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại rằng một cuộc xung đột quân sự trực tiếp có thể châm ngòi chiến tranh toàn diện, bao gồm mưa đạn pháo nã về phía Seoul, thủ đô Hàn Quốc nằm cách giới tuyến hai miền khoảng 56 km.
F-35B lần đầu đến Hàn Quốc
Những thông tin trên được tiết lộ trong lúc tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng sau khi Mỹ và Hàn Quốc triển khai các cuộc tập trận chung thường niên mang tên “Đại bàng non” (Foal Eagle) và “Quyết tâm then chốt” (Key Resolve).
Đài KCNA ngày 2.3 dẫn lời một phát ngôn viên của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Triều Tiên tuyên bố sẽ giáng trả “không thương xót” nếu các giới tuyến của nước này bị xâm phạm trong lúc Hàn - Mỹ tiến hành tập trận. KCNA và tờ Rodong Sinmun cũng đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày 1.3 đã tuyên bố “chuẩn bị cho chiến tranh” khi đến thăm một đơn vị quân đội chịu trách nhiệm bảo vệ Bình Nhưỡng.
Theo tờ Korea Times, cuộc tập trận chung “Đại bàng non” bắt đầu vào ngày 1.3, với sự tham dự của khoảng 300.000 lính Hàn Quốc và 15.000 quân nhân Mỹ. Cuộc tập trận này sẽ kéo dài đến cuối tháng 5, trong khi “Quyết tâm then chốt”, chủ yếu thực tập tác chiến trên máy tính, sẽ diễn ra từ ngày 13 - 23.3.
Đặc biệt, đợt tập trận “Đại bàng non” này sẽ lần đầu tiên có sự tham gia của chiến đấu cơ tàng hình F-35B bay đến Hàn Quốc từ Nhật Bản, theo Yonhap dẫn lời giới chức quân sự Mỹ và Hàn Quốc. Các máy bay này đã được triển khai đến căn cứ Iwakuni ở Nhật Bản vào tháng 1 nhằm ứng phó mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên.
Ngoài F-35B, Washington cũng triển khai một loạt khí tài chiến lược từ các căn cứ ở Mỹ lẫn Nhật Bản, như tàu sân bay USS Carl Vinson, các oanh tạc cơ B-1B và B-52. Tàu USS Carl Vinson được dự kiến sẽ tham gia tập trận cùng với 24 chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet, 10 máy bay tiếp liệu trên không, 10 máy bay chống ngầm S-3 Viking, 6 trực thăng chống ngầm SH-3H Sea King, 4 phi cơ tác chiến điện tử EA-6B Prowler và 4 chiếc máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, đại tá hải quân Jeff Davis, cho hay trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Han Min-koo ngày 1.3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nhấn mạnh Mỹ “luôn kiên định với cam kết” bảo vệ Hàn Quốc.
tin liên quan
Mỹ cảnh báo Triều Tiên về tấn công hạt nhânTân chủ nhân Lầu Năm Góc cam kết bảo vệ các đồng minh và tuyên bố Washington sẽ đáp trả mạnh nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân.
Bình luận (0)