Một số nguồn tin tiết lộ với POLITICO rằng lực lượng đặc nhiệm hải quân mới sẽ được phát triển theo mô hình của Lực lượng hải quân thường trực Đại Tây Dương (STANAVFORLANT) mà NATO đã thành lập vào năm 1968.
STANAVFORLANT là lực lượng có thể phản ứng nhanh đối với một cuộc khủng hoảng và sẽ dành phần lớn thời gian trong khu vực, tham gia các cuộc tập trận và thực hiện các chuyến thăm thiện chí đến nước khác. Có từ 6-10 tàu từ các nước thành viên NATO, như khu trục hạm, tàu hộ vệ và tàu hỗ trợ, gia nhập STANAVFORLANT tới 6 tháng.
STANAVFORLANT cho phép các quốc gia NATO “tăng tối đa ảnh hưởng của mình trên biển và cũng làm tăng quan tâm đầu tư của các nước này cùng lúc”, nhà phân tích Jerry Hendrix thuộc công ty tư vấn Telemus Group nhận định. Ông Hendrix lưu ý một lực lượng đặc nhiệm Thái Bình Dương hiệu quả cũng sẽ bao gồm các đồng minh như Anh và Pháp, vốn đang gia tăng hiện diện hải quân ở khu vực, cũng như Nhật Bản và Úc.
Lực lượng đặc nhiệm được đề xuất nói trên sẽ là “khả năng răn đe vì nó thể hiện sự đoàn kết của nỗ lực đối đầu những mối đe dọa quá đáng từ Trung Quốc đối với khái niệm của một vùng biển tự do và thương mại tự do liên quan yêu sách biển rộng lớn của họ”, theo ông Hendrix. Hiện không rõ lực lượng đặc nhiệm được đề xuất chỉ có tàu Mỹ hay có cả sự tham gia của các nước đồng minh khác, theo nguồn tin.
Các nguồn tin cho biết thêm Lầu Năm Góc cũng đang xem xét lập một chiến dịch quân sự ở Thái Bình Dương, qua đó cho phép bộ trưởng quốc phòng Mỹ phân bổ thêm tiền và nguồn lực để đối phó Trung Quốc.
Hai kế hoạch nói trên, hiện vẫn chưa được chốt lại, sẽ gửi tín hiệu rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nghiêm túc trong việc đối phó tình trạng Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự và có hành vi hung hăng ở khu vực Thái Bình Dương, theo POLITICO.
Bình luận (0)