Hải quân Mỹ đang tìm kiếm một loại vũ khí lợi hại mới để cạnh tranh với “tên lửa diệt tàu sân bay” của Trung Quốc.
Tên lửa hành trình Tomahawk - Ảnh: Usni.org
|
Truyền thông Trung Quốc mấy ngày qua liên tục khoe về lần hiếm hoi Lực lượng pháo binh 2 của quân đội nước này tham gia tập trận hải quân ở Biển Đông trong cuộc diễn tập lớn vừa kết thúc hôm 31.7.
Nhiều trang mạng đặc biệt nhấn mạnh việc Lực lượng pháo binh 2 là đơn vị vận hành tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D, được quảng cáo là “sát thủ tàu sân bay”. Đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức đầy đủ về loại vũ khí này, nhưng theo báo mạng WantChinaTimes, DF-21D được cho là có tầm bắn hơn 1.900 km và nếu được gắn thêm thiết bị bay siêu thanh WU-14, nó có thể bay với vận tốc gấp 10 lần tốc độ âm thanh (Mach 10), tức khoảng 12.359 km/giờ.
WU-14 được thử nghiệm lần đầu tiên năm 2014 và đến nay Trung Quốc đã tiến hành thêm 3 lần thử nhưng không thông báo kết quả. Chuyên gia quân sự Trần Hổ của nước này từng nói thẳng trên Đài CCTV là khi được hoàn thiện, WU-14 có thể “tấn công tàu sân bay Mỹ trên toàn cầu”.
Trong bối cảnh này, các chiến lược gia quân sự Mỹ đang lo ngại nếu xảy ra xung đột tại khu vực, Hạm đội Thái Bình Dương của nước này có nguy cơ “chịu trận” trước tên lửa Trung Quốc, đặc biệt là DF-21D, theo chuyên trang Breaking Defense. Dĩ nhiên Lầu Năm Góc không ngồi yên và hôm 6.8, Phó tư lệnh tác chiến hải quân Mỹ Joseph Aucoin công bố kế hoạch tìm kiếm Vũ khí chống mục tiêu bề mặt (OASuW) thế hệ mới. Cụ thể, hải quân Mỹ đang cân nhắc một trong hai lựa chọn: nâng cấp tên lửa hành trình nổi tiếng Tomahawk hoặc tiếp tục tập trung sức người sức của vào chương trình Tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM).
Hình ảnh được cho là tên lửa DF-21D của Trung Quốc - Ảnh: Sina
|
Tám lạng nửa cân
Phát biểu trước các phóng viên tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), Phó tư lệnh Aucoin cho biết hải quân “muốn có một sự cạnh tranh giữa Tomahawk và LRASM để đạt được loại vũ khí tốt nhất”. Breaking Defense dẫn lời ông Aucoin: “Điều tôi muốn là tích hợp các khả năng cần thiết cho chiến tranh thời kỳ mới vào Block IV (phiên bản mới của Tomahawk - NV) và so sánh với sự thể hiện của LRASM”.
Theo giới quan sát, cả hai loại vũ khí này tính đến nay đều có những thế mạnh và điểm yếu riêng nên cuộc cạnh tranh sẽ rất quyết liệt. Tomahawk do Tập đoàn Raytheon sản xuất là một trong những loại tên lửa đáng tin cậy và nổi tiếng nhất của Mỹ từ thời Chiến tranh lạnh đến nay. Ra mắt từ thập niên 1980, cho đến nay Tomahawk liên tục được cải tiến với nhiều phiên bản ngày càng hiện đại. Phiên bản mới nhất Block IV mang được đầu đạn hạt nhân, tầm bắn hơn 1.600 km và có thể được phóng từ tàu ngầm hoặc tàu chiến nổi để thực hiện các cuộc tấn công có độ chính xác cao.
Tuy nhiên, đến nay nhiệm vụ chính của Tomahawk vẫn là tấn công các mục tiêu cố định trên bộ. Do đó, sẽ đòi hỏi thêm thời gian và công sức nâng cấp khả năng tấn công các mục tiêu di động trên biển thì tên lửa này mới có thể cạnh tranh với các vũ khí như DF-21D, theo nhận định của Hãng tin Sputnik.
Trong khi đó, LRASM đang do Tập đoàn Lockheed Martin phát triển, được Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng hiện đại (DARPA) của Lầu Năm Góc đánh giá là “bước tiến về khả năng chiến đấu”. Đây là tên lửa chống tàu đặc chủng, dự kiến tầm bắn khoảng 930 km và mang đầu đạn xuyên phá nặng 450 kg. Theo Breaking Defense, điểm mạnh nhất của LRASM là sở hữu khả năng vận hành độc lập thông minh, không cần dựa vào hệ thống định vị toàn cầu GPS hoặc thông tin lập trình trước. Nhờ đó, tên lửa có thể tìm kiếm và khóa mục tiêu một cách chính xác, tự động né chướng ngại vật và tránh tên lửa đánh chặn của đối phương.
Breaking Defense dẫn lời cựu trợ lý Tư lệnh tác chiến hải quân Mỹ, Bryan Clark nhận định LRASM có chi phí cao hơn Tomahawk nhưng tầm bắn và độ công phá không bằng. Ngược lại, Tomahawk chưa có khả năng chống tàu chuyên biệt và khả năng “sống sót” trước mạng lưới phòng thủ của địch lại kém hơn. Một vấn đề khác là sự lợi hại và đáng tin cậy của Tomahawk đã được chứng minh thực tế từ lâu, còn LRASM vẫn đang trong quá trình phát triển nên chưa ai biết ra sao.
Dự kiến đến năm 2019 thì tên lửa này mới chính thức vào biên chế hải quân. Với những đặc điểm trên, “cuộc cạnh tranh giữa Tomahawk nâng cấp và LRASM sẽ rất thú vị”, ông Clark nói.
Mỹ, Nhật hợp tác ứng phó Trung QuốcTrong cuộc hội đàm bên lề đợt hội nghị ASEAN ở Malaysia ngày 6.8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida nhất trí hợp tác trong việc ứng phó các hoạt động gây quan ngại của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, theo Kyodo News. Hai ngoại trưởng nhấn mạnh không thể khoan dung cho những hành động đơn phương ở khu vực và họ sẽ làm việc cùng nhau để ứng phó thực trạng này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lại có những lời biện hộ bất chấp thực tế khi tuyên bố hoạt động xây dựng của nước này ở Biển Đông “phục vụ cho công tác tìm kiếm và cứu hộ”. Tân Hoa xã còn dẫn lời ông Vương chỉ trích một số quốc gia và truyền thông quốc tế “thổi phồng tranh chấp ở khu vực”.
|
Bình luận (0)