Mỹ công bố đột phá khoa học hạt nhân

Khánh An
Khánh An
13/12/2022 23:39 GMT+7

Các nhà khoa học Mỹ đạt đột phá mới trong phản ứng hợp hạch, hứa hẹn giải phóng nguồn năng lượng sạch vô hạn.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm công bố đột phá khoa học về phản ứng hợp hạch

afp

Tờ The Guardian ngày 13.12 đưa tin giới chức Mỹ vừa công bố đột phá lớn trong lĩnh vực khoa học hạt nhân, thông qua một thử nghiệm phản ứng hợp hạch thành công.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm, các nhà khoa học nước này đã bắt chước được “một số điều kiện chỉ có thể tìm thấy ở mặt trời và những ngôi sao”.

Nói về thành tựu mới, Thứ trưởng Năng lượng Jill Hruby cho hay Mỹ vừa có “những bước đầu tiên tiến đến nguồn năng lượng sạch có thể cách mạng hóa thế giới”.

Trong khi các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới sử dụng phản ứng phân hạch uranium, giới khoa học trên thế giới lâu nay vẫn theo đuổi tham vọng tiến hành phản ứng hợp hạch vốn khó thực hiện hơn.

Thành công mới được tiến hành nhờ các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore ở California.

Tóm tắt thành tựu của họ trong một câu, nhà khoa học trưởng tại Nhà Trắng Arita Prabhakar cho biết: “Họ đã bắn một chùm tia laser vào một viên nhiên liệu và năng lượng phóng thích ra từ vụ nổ hợp hạch đó còn nhiều hơn năng lượng của chùm tia laser”.

Thứ trưởng Hruby cho biết các nhà khoa học đã bắn chùm 192 tia laser năng lượng cao vào một mục tiêu nhỏ như hạt tiêu, đốt nóng các đồng vị hydro là deuteri và triti lên nhiệt độ hơn 3 triệu độ C và mô phỏng điều kiện của một ngôi sao.

Cuối buổi họp báo của Bộ Năng lượng nhằm công bố thành tựu trên, giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore, bà Kim Budil, nói thêm rằng có thể cần nhiều thời gian nữa trước khi công nghệ mới được sử dụng rộng rãi.

“Còn những trở ngại rất lớn, không chỉ về mặt khoa học mà còn về công nghệ. Để có năng lượng hợp hạch thương mại, các bạn phải làm nhiều điều nữa, phải sản sinh được nhiều phản ứng hợp hạch và có hệ thống động lực mạnh mẽ để làm được điều đó”, bà cho biết.

Quan chức này dự báo rằng với sự phối hợp về nỗ lực và đầu tư, có thể cần thêm vài thập niên nghiên cứu về những công nghệ cơ sở để có thể xây dựng một nhà máy điện hạt nhân hợp hạch đầu tiên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.