Hôm qua (9.12), Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles và Ngoại trưởng Penny Wong đã có cuộc hội đàm “2+2” với hai người đồng cấp Nhật Bản là Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada và Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi.
Đại diện của quân đội các nước Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand trên tàu chiến HMAS Adelaide của Úc trong một hoạt động ở Indo-Pacific gần đây |
Bộ Quốc phòng Úc |
Vị thế “tiền tuyến” của Úc và Nhật tăng cường sức mạnh
Sau cuộc gặp, ABC News dẫn tuyên bố của ông Marles cho biết Canberra có ý định “tăng cường hội nhập công nghiệp quốc phòng với Nhật Bản: song phương, thông qua các cơ chế 3 bên của chúng tôi với Mỹ, và khi sẵn sàng, thông qua các năng lực tiên tiến của chúng tôi cũng hoạt động trong AUKUS”. Nội dung này được cho là thông điệp của Canberra về việc mời Tokyo tham gia AUKUS vốn là thỏa thuận ba bên giữa Mỹ, Anh và Úc mà trong đó có nội dung Mỹ và Anh sẽ chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Úc.
Trước đó, Mỹ và Úc đã có hội nghị tham vấn cấp cao song phương với sự tham dự của ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng của cả hai nước. Phát biểu sau hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết trước lo ngại về Trung Quốc, Washington quyết định tăng cường sự hiện diện các lực lượng luân phiên của Mỹ ở Úc. Không tiết lộ chi tiết về kế hoạch vừa nêu, nhưng lãnh đạo Lầu Năm Góc cho biết Mỹ sẽ tăng cường cả về sức mạnh không quân, hải quân và lục quân tại Úc. Đặc biệt, ông Austin cho biết Washington và Canberra đồng ý “mời Nhật Bản tham gia vào các sáng kiến bố trí lực lượng của chúng tôi ở Úc”.
“Chúng tôi đang làm điều này từ quan điểm mang lại sự cân bằng trong khu vực của chúng tôi và liên quan đến các quốc gia khác trong khu vực, mong muốn có thể tham gia nhiều hơn với Nhật Bản”, tờ The Japan Times ngày 7.12 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles phát biểu trong cuộc họp báo chung sau hội nghị tham vấn với Mỹ. Bộ trưởng Marles còn cho biết các quan chức cấp cao của nước này và Mỹ có thể sớm đến Nhật để mời Tokyo tham gia tập trận nhiều hơn cùng Washington và Canberra.
Cùng ngày 9.12, phân tích về diễn biến trên khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét: “Vì Trung Quốc mở rộng khu vực hoạt động nên Úc giờ đây cũng đóng vai trò “tiền tuyến”. Hiện tại, căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản và một số nước tại khu vực đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc. Vì thế, Washington cần Úc làm căn cứ hậu cần an toàn hơn để hỗ trợ triển khai quân sự của Mỹ tới Nhật Bản, Philippines…”.
TS Nagao phân tích thêm: “Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây cũng tăng cường hoạt động ở nam Thái Bình Dương, vì thế căng thẳng giữa Washington với Bắc Kinh tiếp tục tăng lên. Vì thế, Mỹ muốn các đồng minh chia sẻ gánh nặng an ninh”.
Thực tế, Nhật Bản gần đây cũng đẩy mạnh nhiều hoạt động, kế hoạch về quân sự ở khu vực. Ngày 5.12, tờ The Japan Times đưa tin Nhật Bản đang xem xét tăng gần gấp ba số lượng đơn vị trong lực lượng phòng vệ được trang bị khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở các đảo xa phía tây nam của nước này vào cuối năm tài chính 2031. Kế hoạch này dự kiến sẽ được đưa vào Định hướng chương trình Phòng thủ quốc gia sẽ được cập nhật vào cuối năm nay.
Canada quyết tâm
Cuối tháng 11, Anh và Canada cũng đã công bố chiến lược Indo-Pacific đặt ra nhiều quan ngại liên quan Trung Quốc. Đặc biệt, bên cạnh các định hướng ngoại giao, chiến lược trên của Canada còn có kế hoạch chi ra khoảng 2,3 tỉ AUD (khoảng 1,7 tỉ USD) để thực hiện chiến lược. Trong đó có nhiều khoản ngân sách dùng để hỗ trợ các đối tác trong khu vực.
Nhận xét về động thái của Canada khi trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) phân tích: “Chiến lược Indo-Pacific của Canada thể hiện quan điểm mạnh mẽ trước Trung Quốc sau khi hai bên phát sinh một loạt sự cố. Điển hình là vụ 2 công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor bị Trung Quốc bắt giữ sau vụ Canada bắt bà Mạnh Vãn Chu vào tháng 12.2018. Hay một số thông tin cho rằng Trung Quốc tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Canada. Qua đó, Ottawa nhận ra rằng Bắc Kinh đang nỗ lực thay đổi trật tự thế giới”.
“Vì thế, Canada đưa ra lập trường kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, liên quan các quy tắc toàn cầu chi phối thương mại toàn cầu, nhân quyền quốc tế hoặc quyền hàng hải và hàng không”, PGS Nagy nhận xét và cho rằng một loạt hành động của Trung Quốc ở khu vực cũng gây nên sự lo ngại cho Canada.
Bình luận (0)