Mỹ dốc sức đối phó Trung Quốc

10/06/2021 09:05 GMT+7

Cả chính phủ và quốc hội Mỹ đều đang có những biện pháp quyết liệt để tăng cường lợi thế cạnh tranh trước Trung Quốc .

Thượng viện Mỹ ngày 9.6 thông qua dự luật chi 250 tỉ USD đầu tư vào nghiên cứu khoa học và sáng tạo công nghệ để đối phó Trung Quốc. Theo giới phân tích, dự luật bao hàm gần như mọi khía cạnh trong mối quan hệ cạnh tranh ngày càng căng thẳng giữa hai nước.

Bước ngoặt cho Mỹ

Các thượng nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ đồng thuận về chính sách Trung Quốc để thông qua Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới năm 2021 của Mỹ bằng 68 phiếu thuận và 32 phiếu chống, theo tờ South China Morning Post. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer nói dự luật có thể là bước ngoặt với vai trò lãnh đạo của Mỹ trong thế kỷ 21 và là khoản đầu tư vào nghiên cứu khoa học và sáng tạo công nghệ lớn nhất trong nhiều thế hệ.
Theo dự luật, Mỹ sẽ chi 190 tỉ USD nhằm tăng cường công nghệ và nghiên cứu. Bên cạnh đó, 54 tỉ USD sẽ được dùng để đẩy mạnh sản xuất và nghiên cứu trong lĩnh vực thiết bị bán dẫn và viễn thông, trong đó 2 tỉ USD tập trung vào vi mạch. Các khoản đầu tư cho thấy Mỹ nhận thức được sự cấp bách của việc thoát khỏi chuỗi cung ứng Trung Quốc.
Dự luật cũng cấm quan chức Mỹ tham dự Olympic Bắc Kinh 2022 vì vấn đề cáo buộc nhân quyền ở Tân Cương. Dự luật còn cho phép áp đặt biện pháp cấm vận mới lên quan chức Trung Quốc về các cáo buộc tấn công mạng và trộm cắp tài sản trí tuệ. Ngoài ra, dự luật có điều khoản nhằm tăng cường quan hệ của Mỹ với Đài Loan và các đồng minh ở Thái Bình Dương.
Quốc hội Trung Quốc (NPC) ngày 9.6 đã lên tiếng bày tỏ sự bất mãn và phản đối mạnh mẽ động thái mới của Mỹ, theo Tân Hoa xã. NPC cũng cáo buộc rằng Mỹ đang bôi nhọ và vu khống các chính sách của Bắc Kinh.

Lập lực lượng tác chiến thương mại

Hôm 8.6, Nhà Trắng công bố thành lập lực lượng tác chiến thương mại để đối phó với hành vi thương mại không công bằng, phần lớn nhắm vào Trung Quốc, đồng thời củng cố chuỗi cung ứng.
Theo Reuters, lực lượng do Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai dẫn đầu có nhiệm vụ kiểm tra các vi phạm khiến nền công nghiệp Mỹ cạn kiệt và chuỗi cung ứng quan trọng với các sản phẩm như chất bán dẫn và dược phẩm bị xói mòn. Họ cũng sẽ xem xét liệu vấn đề có thể được giải quyết bằng biện pháp phòng vệ thương mại hay không.

Trung Quốc thúc giục Mỹ cân nhắc lại lệnh cấm đầu tư

Việc thành lập lực lượng tác chiến được nêu ra trong báo cáo dài 255 trang đánh giá sự phụ thuộc thương mại của Mỹ vào các quốc gia khác. Báo cáo là kết quả của cuộc rà soát chuỗi cung ứng hàng hóa mà Tổng thống Mỹ Joe Biden ra lệnh thực hiện hồi tháng 2. Các nhà phân tích nói rằng báo cáo này không nhắm trực tiếp vào Trung Quốc, nhưng một số khuyến nghị được nêu ra rõ ràng hướng tới sự cạnh tranh với Bắc Kinh. Theo nhà nghiên cứu Stephen Olson tại Hinrich Foundation, lực lượng tác chiến thương mại là sáng kiến có tác động lớn nhất trong cuộc rà soát.
Giới chuyên gia nhận định các động thái này cho thấy lập trường ngày càng cứng rắn với Trung Quốc của chính quyền Biden. Theo Giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Amanda Sloat, vấn đề Trung Quốc cũng sẽ được ưu tiên cao trong các cuộc đối thoại của ông Biden tại Hội nghị G7 sắp tới.
“Trung Quốc tự lãnh trái đắng”
Đó là nhận xét của ông Kurt Campbell, điều phối viên chuyên trách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ. Trong một hoặc hai năm gần đây, Mỹ không phải là phía gây nhiều khó dễ cho Trung Quốc, mà chính nước này đã nhận lấy “trái đắng” cho những hành động của mình, theo Hãng Bloomberg dẫn lời ông Campbell phát biểu tại sự kiện do Trung tâm an ninh mới của Mỹ tổ chức ở thủ đô Washington D.C hôm 8.6.
Ông Campbell cho rằng những chính sách đối ngoại mà Bắc Kinh theo đuổi trong thời gian qua đã khiến thế giới phản ứng kịch liệt. Ông đề cập đến một số chính sách gây tranh cãi của Trung Quốc, như quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, thực thi cách tiếp cận theo hướng hung hăng hơn trong chính sách ngoại giao toàn cầu. “Tuy nhiên, liệu giới lãnh đạo của Trung Quốc có nhận ra sự thật này hay không? Tôi cho rằng đó là câu hỏi khó trả lời”, ông Campbell nói.
Về chuyến thăm Đài Loan mới đây của nhóm thượng nghị sĩ Mỹ, ông Campbell cho rằng đây là động thái thể hiện Mỹ “sát cánh với Đài Loan”. Bên cạnh đó, Washington cam kết tiếp tục cung cấp sự phòng vệ cho Đài Bắc, nhưng vùng lãnh thổ này cũng cần nâng cấp năng lực quân sự. 
H.G
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.