Mỹ đối phó vũ khí bội siêu thanh Nga, Trung Quốc ra sao?

Bảo Vinh
Bảo Vinh
29/01/2020 15:30 GMT+7

Quân đội Mỹ đang triển khai nhiều dự án phát triển hệ thống phòng thủ trước mối đe dọa từ vũ khí bội siêu thanh của Nga và Trung Quốc .

Phát triển đồng loạt

Lầu Năm Góc những tháng qua đã âm thầm phát triển kế hoạch ngăn chặn vũ khí bội siêu thanh, theo chuyên san Breaking Defense. Hồi tháng 9.2019, Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) chọn ra một số thiết kế cho dự án Hệ thống vũ khí phòng thủ bội siêu thanh. Trong danh sách gồm có các tên lửa Valkyrie và Dart của Lockheed Martin, tên lửa đánh chặn Hypervelocity của Boeing và tên lửa SM-3 Hawk của Raytheon.
Đây là các dự án mật và thông tin về chúng đều xuất hiện hết sức nhỏ giọt. Tuy nhiên theo chuyên san quân sự IHS Jane’s, Phó chủ tịch Lockheed Martin Paul Lemmo từng tiết lộ rằng tên lửa Dart sẽ được dùng để đánh chặn thiết bị bay bội siêu thanh (HGV) trong giai đoạn sau khi quay trở lại khí quyển, còn Valkyrie dùng để ngăn chặn HGV trong giai đoạn cuối của hành trình. Theo hợp đồng, Lockheed Martin phải hoàn thành dự án Valkyrie trước tháng 5.2020.

Tên lửa SM-3 phóng từ một tàu chiến Mỹ

MDA

Trong khi đó, tên lửa SM-3 Hawk của Raytheon được đồn đoán là phiên bản nâng cấp của tên lửa phòng không RIM-161 SM-3 đang được các tàu chiến Mỹ sử dụng. Mặt khác, Cơ quan Các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ hồi năm 2018 cũng công bố dự án phát triển vũ khí chống tên lửa bội siêu thanh gọi là Glide Breaker và dự kiến cho thử nghiệm vào năm 2020. Toàn bộ những hệ thống nêu trên được cho là còn ở giai đoạn phát triển ban đầu nên sẽ chỉ được thử nghiệm và đưa vào sử dụng trong vài năm nữa.
Ngoài ra, Đạo luật Ủy quyền quốc phòng 2020 (NDAA) được Tổng thống Trump ký ban hành trong tháng 12.2019 bao gồm khoản ngân sách 230,9 triệu USD để thúc đẩy các chương trình phòng thủ của MDA nhằm chống vũ khí bội siêu thanh và 108 triệu USD để phát triển cảm biến trong vũ trụ để theo dõi tên lửa đạn đạo và tên lửa bội siêu thanh.

Mối đe dọa cận kề

Việc ngành quốc phòng Mỹ cấp tập phát triển các hệ thống phòng thủ chống vũ khí bội siêu thanh diễn ra trong bối cảnh Nga và Trung Quốc lần lượt biên chế những loại tên lửa được cho là có thể xuyên phá mọi lớp phòng thủ. Vũ khí bội siêu thanh có thể bay với tốc độ Mach 5 (6.125 km/giờ), tức gấp 5 lần vận tốc âm thanh và được cho là khó ngăn chặn hơn so với tên lửa đạn đạo vì được phóng lên ở độ cao ngoài tầm phát hiện của các hệ thống cảnh báo sớm, đồng thời có thể điều chỉnh đường bay sau khi quay lại khí quyển. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách nghiên cứu và kỹ thuật Michael Griffin hồi tháng 3.2019 nói rằng nếu chiến tranh xảy ra vào thời điểm này thì Mỹ không thể ngăn chặn tên lửa bội siêu thanh của đối phương đang tiến tới, theo Breaking Defense.

Xe chở HGV Avangard của Nga

Bộ Quốc phòng Nga

Trung Quốc tháng 10.2019 biên chế tên lửa đạn đạo DF-17 gắn thiết bị bay bội siêu thanh DF-ZF trong khi Nga mới đây đưa vào sử dụng HGV Avangard gắn trên tên lửa đạn đạo UR-100N. Theo chuyên san The Diplomat, DF-ZF có tốc độ Mach 5-10 và được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay”. Trong khi đó, truyền thông Nga đưa tin Avangard từng đạt vận tốc Mach 27 (khoảng 33.000 km/giờ) trong một cuộc thử nghiệm. Trước đó, Nga cũng đã biên chế tên lửa bội siêu thanh Kinzhal phóng từ máy bay MiG-31K.

Tên lửa đạn đạo DF-17 của Trung Quốc

Shutterstock

Ngoài những loại vũ khí phòng thủ theo kiểu bắn trúng để tiêu diệt, các cơ quan quốc phòng Mỹ cũng có ý tưởng sử dụng vi sóng để tiêu diệt vũ khí bội siêu thanh. Theo Thứ trưởng Quốc phòng Michael Griffin giải thích, thiết bị phát vi sóng cường độ cao (khoảng vài chục kilowatt) có thể được gắn vào một tên lửa đánh chặn để tiếp cận vũ khí bội siêu thanh ở khoảng cách đủ gần. Sau đó, bức xạ vi sóng sẽ làm gián đoạn hệ thống điện tử và hạ gục vũ khí bội siêu thanh mà không cần va chạm với mục tiêu như các tên lửa đánh chặn thông thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.