Đây là vấn đề mà ngay trong chính Lầu Năm Góc cũng có những chỉ trích cho rằng có thể “phá hủy” hệ thống y tế của quân đội Mỹ giữa cơn đại dịch Covid-19.
Từ năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mark Esper đã đề xuất kế hoạch cắt giảm ngân sách của hệ thống y tế quân sự trong 5 năm tới để tiết giảm các khoản lãng phí trong ngân sách chung của quân đội Mỹ. Năm nay, mức cắt giảm được đề ra là khoảng 2,2 tỉ USD. Tuy nhiên, một số quan chức quốc phòng cấp cao cho rằng mức cắt giảm này sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe của hàng triệu quân nhân và gia đình của họ.
Hiện nay, khoảng 9,5 triệu quân nhân tại ngũ và những sĩ quan quân đội Mỹ về hưu đều phụ thuộc vào hệ thống y tế quân đội này. Đây là hệ thống chăm sóc sức khỏe vận hành hàng trăm cơ sở trên khắp thế giới của quân đội do chính phủ điều hành - thông qua TRICARE (Chương trình y tế và sức khỏe dân sự của lực lượng quân sự) - cho phép quân nhân và gia đình của họ được chăm sóc sức khỏe dân sự bên ngoài mạng lưới quân sự.
Những quân nhân về hưu có nhiều lợi ích chăm sóc sức khỏe để lựa chọn bao gồm các phúc lợi y tế do cơ quan cựu chiến binh (VA) cung cấp, TRICARE và các lựa chọn bảo hiểm chăm sóc sức khỏe bổ sung khác, bất kể quân dân đang tại ngũ hay đã về hưu, miễn dưới 65 tuổi thì họ và gia đình đều có đủ điều kiện hưởng TRICARE. Từ 65 tuổi trở đi, họ hết điều kiện hưởng TRICARE và chuyển sang nhận chương trình TRICARE for Life, cũng được nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà thông qua mạng lưới các bệnh viện và phòng khám quân đội, được bổ sung bởi dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ hàng nghìn bác sĩ tư nhân và các nhà cung cấp khác.
Một quan chức quốc phòng cho biết họ đã đạt được con số đó gần đây sau nhiều tháng thảo luận. Quan chức khác bổ sung rằng việc cắt giảm phải tùy vào hoàn cảnh và sẽ chỉ được thực hiện trong trường hợp hệ thống y tế quân đội có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng cho những người thụ hưởng. Tuy nhiên, các quân sĩ không tán thành việc cắt giảm này.
Trước đó ngân sách y tế cho quân sự là hơn 50 tỉ USD, nhưng sau đợt cắt giảm của Lầu Năm Góc thì ngân sách hiện nay còn khoảng 48 tỉ USD, giảm 1,6%.
Các quan chức đổ lỗi cho Văn phòng Đánh giá chương trình và chi phí của Lầu Năm Góc (CAPE), dưới sự lãnh đạo của John Whitley, về việc cắt giảm. Năm ngoái, ông Whitley từng tính đến chuyện đóng cửa Trường đại học Quân y (USU). Trong khi đó, trường đại học này đã có nhiều đóng góp cho ngành y tế quân sự Mỹ và mới đây là chiến dịch chống Covid-19. Các y bác sĩ của USU cũng tham gia vào chương trình phát triển vắc xin chống Covid-19. Vì thế, một quan chức USU cảnh báo Bộ Quốc phòng Mỹ có thể không kịp trở tay nếu xảy ra một đại dịch tiếp theo.
Bình luận (0)