Thỏa thuận với ông Khalid Sheikh Mohammed và hai đồng phạm bị cáo buộc được công bố vào hôm 31.7 đã gần như đưa vụ án kéo dài nhiều năm đi đến hồi kết. Tuy nhiên, thỏa thuận đã gây ra sự tức giận từ người thân của những người thiệt mạng trong vụ khủng bố ngày 11.9.2001, theo AFP.
Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa, gồm Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson và lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell chỉ trích mạnh mẽ các thỏa thuận này.
Tuần này, tờ The New York Times đưa tin rằng ông Mohammed, Walid bin Attash và Mustafa al-Hawsawi đã đồng ý nhận tội âm mưu để đổi lấy bản án chung thân, thay vì phải đối mặt với phiên tòa có thể dẫn đến án tử hình.
"Tôi đã xác định rằng, xét đến tầm quan trọng của quyết định ký kết thỏa thuận trước khi xét xử với bị cáo... trách nhiệm đối với quyết định như vậy phải thuộc về tôi", Bộ trưởng Austin cho biết trong một bản ghi nhớ gửi cho bà Susan Escallier, người giám sát vụ án và là quản lý tòa án binh Guantanamo của Lầu Năm Góc.
Ông Austin thu hồi thẩm quyền thực hiện thỏa thuận của bà Escallier để tự tiếp quản trách nhiệm đó.
"Tôi xin rút khỏi 3 thỏa thuận trước khi xét xử mà bà đã ký vào ngày 31.7.2024 trong vụ án được nhắc đến ở trên", ông Austin nói.
Vụ án đối với các bị cáo vụ khủng bố ngày 11.9 đã bị sa lầy trong các động thái pháp lý trước khi xét xử trong nhiều năm, trong khi bị cáo vẫn bị giam giữ tại căn cứ quân sự vịnh Guantanamo ở Cuba.
Phần lớn cuộc chiến pháp lý xung quanh vụ án của những bị cáo này tập trung vào câu hỏi họ có thể được xét xử công bằng hay không sau khi đã bị tra tấn tại Cục Tình báo trung ương (CIA) trong những năm sau ngày 11.9.2001.
Mohammed là tù nhân khét tiếng nhất tại nhà tù vịnh Guantanamo, bị cáo buộc là chủ mưu vụ cướp máy bay chở khách để hướng máy bay lao thẳng vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York và Lầu Năm Góc. Các vụ tấn công ngày 11.9.2001 khiến gần 3.000 người thiệt mạng.
Nhà tù Guantanamo được thiết lập vào năm 2002 dưới thời Tổng thống George W. Bush để giam các nghi phạm nước ngoài sau vụ khủng bố.
Bình luận (0)