Mỹ: Lo ngại khỉ nhập khẩu từ Campuchia mang theo mầm bệnh chết người

19/12/2022 15:47 GMT+7

Trong khi các nhà hoạt động kêu gọi chính phủ Mỹ lập tức ngừng nhập khẩu tất cả các loài linh trưởng không phải người, các cơ sở nghiên cứu nước này đang tìm cách giải quyết vấn đề thiếu khỉ dùng trong phòng thí nghiệm.

Các nhà hoạt động đang kêu gọi chính phủ Mỹ ngừng nhập khẩu các loài linh trưởng không phải người để sử dụng trong phòng thí nghiệm, sau khi tài liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tiết lộ rằng các loại mầm bệnh có thể gây chết người đi vào nước Mỹ cùng với những con khỉ được nhập từ châu Á trong giai đoạn 2018-2021.

Khỉ mang mầm bệnh

Theo tài liệu mà tổ chức bảo vệ động vật PETA có được và báo The Guardian độc quyền tiếp cận, cũng như báo cáo của Hiệp hội Khoa học Động vật trong Phòng thí nghiệm Mỹ, nước này đã phát hiện 6 trường hợp nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei trong các cá thể linh trưởng được nhập từ Campuchia.

B. pseudomallei, lưu hành ở Đông Nam Á, gây ra bệnh melioidosis (hay Whitmore), một căn bệnh hiếm gặp nhưng có khả năng gây tử vong ở người, thường do tiếp xúc với mầm bệnh trong đất hoặc nước. Bệnh này có tỷ lệ tử vong lên tới 50% và B. pseudomallei, theo CDC, là "tác nhân chọn lọc cấp 1" có khả năng trở thành tác nhân khủng bố sinh học.

Một số cá thể khỉ nhập khẩu từ Campuchia vào Mỹ đã được chẩn đoán mang mầm bệnh nguy hiểm

getty

PETA đã viết thư cho CDC kêu gọi họ ngay lập tức ngừng nhập khẩu tất cả các loài linh trưởng không phải người (NHP) để bảo vệ công dân Mỹ, vì sự liêm chính trong khoa học cũng như vì phúc lợi của động vật và hệ sinh thái của chúng.

Tiến sĩ Lisa Jones-Engel, cố vấn khoa học cấp cao của Peta, nói với The Guardian: "Không có dấu hiệu nào cho thấy CDC hoặc ngành nghiên cứu đã minh bạch với công chúng về những con khỉ bị bệnh này".

Được xuất bản vào tuần trước, báo cáo có tiêu đề "Bệnh melioidosis ở một cá thể khỉ Cynomolgus được nhập vào Mỹ từ Campuchia" tiết lộ rằng một trong số 360 con khỉ có nguồn gốc Campuchia được đưa đến Mỹ bằng đường hàng không đã được chẩn đoán nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei trong quá trình kiểm dịch ở Texas vào tháng 1.2021. Các loài linh trưởng nhập khẩu không phải người, hay còn gọi là NHP, được cách ly theo quy định của CDC trong 31 ngày trong khi tiến hành xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm.

359 con còn lại có vẻ khỏe mạnh khi thời gian cách ly kết thúc và đã được đưa ra khỏi khu vực cách ly. Tuy nhiên, những con vật bị nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng có thể làm lây lan B. pseudomallei ra môi trường. Tiến sĩ Jones-Engel cho biết: "Những con khỉ nhập khẩu từ châu Á có thể mang mầm bệnh Burkholderia trong nhiều tháng, thải vi khuẩn vào môi trường qua phân, nước tiểu, máu và nước bọt của chúng. CDC biết mối nguy hiểm đối với con người và đã không cảnh báo công chúng".

Báo cáo đã xác định 5 con khỉ khác cũng nhiễm B. pseudomallei được nhập vào Mỹ từ Campuchia trong các đợt vận chuyển khác nhau, bao gồm một con được chẩn đoán trong thời gian cách ly và bốn con khác vài tháng sau khi chúng được đưa ra khỏi khu vực cách ly.

Hồi tháng 7, CDC đã đưa ra cảnh báo về sự hiện diện của B. pseudomallei trong môi trường ở đồng bằng sông Mississippi. Đây là lần đầu tiên vi khuẩn này được phát hiện trong đất và nước ở Mỹ, và xảy ra sau khi hai người ở bang Mississippi được chẩn đoán mắc bệnh melioidosis, một người vào năm 2020 và người kia vào năm 2022.

Các nghiên cứu mà CDC công bố vào tháng 7 cũng tiết lộ rằng kể từ năm 2019, sự gia tăng số lượng linh trưởng nhập khẩu đã đi kèm với sự gia tăng số lượng khỉ mang theo các mầm bệnh lây truyền từ động vật sang người, bao gồm bệnh lao, bệnh lao giả Yersinia, Y entercolitica, campylobacter, bệnh sốt rét cũng như bệnh viêm dạ dày ruột xuất huyết.

Thiếu khỉ để nghiên cứu

Khỉ Cynomolgus, hay còn gọi là khỉ đuôi dài, khỉ ăn cua, là loài khỉ đặc hữu ở Đông Nam Á. Đây là loài linh trưởng được buôn bán nhiều nhất để sử dụng trong phòng thí nghiệm và hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng do việc sử dụng quá nhiều những con khỉ này trong ngành nghiên cứu.

Trong quá khứ, phần lớn khỉ được nhập vào Mỹ là từ Trung Quốc nhưng đã ngừng việc mua bán này đã dừng lại từ khi Covid-19 bùng phát. Trong khi đó, số lượng khỉ xuất khẩu từ Campuchia sang Mỹ đã tăng hơn gấp ba lần từ 5.851 con năm 2018 lên 18.870 con vào năm 2021. Mỹ là nhà nhập khẩu linh trưởng lớn nhất thế giới và là quốc gia duy nhất nhập khẩu khỉ hoang dã hợp pháp kể từ năm 2014.

Mỹ đang đối mặt với tình trạng thiếu khỉ dùng cho phòng thí nghiệm

getty

Song theo một bài viết đăng trên Financial Times ngày 18.12, Mỹ đang đối mặt với tình trạng thiếu khỉ dùng trong phòng thí nghiệm vì bê bối buôn lậu ở Campuchia. Các công tố viên liên bang của Mỹ tháng trước đã truy tố 8 người - trong đó có hai quan chức cấp cao của chính phủ Campuchia - với cáo buộc tham gia điều hành một đường dây buôn lậu xuất khẩu trái phép khỉ hoang dã sang Mỹ cho mục đích nghiên cứu.

Một trong các quan chức Campuchia đã bị bắt tại sân bay quốc tế John F Kennedy, và Phnom Penh tuyên bố vụ bắt giữ là "vô cớ".

Một quan chức Campuchia nói với Financial Times rằng họ không áp đặt lệnh cấm xuất khẩu sang Mỹ. Song vụ việc đã làm gia tăng mối lo ngại tại Mỹ về sự phụ thuộc của nước này vào nguồn cung từ bên ngoài vào thời điểm một số chương trình nghiên cứu phải đối mặt với sự chậm trễ kéo dài hàng năm do thiếu khỉ. Trong đó, việc thiếu khỉ đuối dài, loài khỉ được dùng phổ biến nhất tại các công ty nghiên cứu dược phẩm, đã diễn ra vài năm nay.

Theo các chuyên gia trong ngành, nhu cầu đối với khỉ phòng thí nghiệm tăng cao trong thời kỳ Covid-19, lệnh cấm xuất khẩu từ Trung Quốc và việc thiếu kinh phí cho các chương trình nhân giống trong nước ở Mỹ là những nguyên nhân làm gián đoạn chuỗi cung ứng khỉ và linh trưởng không phải người nói chung, đồng thời khiến giá tăng gấp ba lần.

Evercore ước tính giá trung bình của một con khỉ trong phòng thí nghiệm trong giai đoạn 2019-2020 là từ 4.000 đến 7.000 USD. Trong giai đoạn 2020-2021, con số này là 10.000 USD và trong giai đoạn 2021-2022, mức giá đã tăng lên đến 20.000-24.000 USD. Evercore dự báo giá sẽ tiếp tục tăng, lên mức 30.000-35.000 USD vào năm 2023.

Do đó, các nhà khoa học đã kêu gọi chính phủ Mỹ tăng cường đầu tư vào các chương trình nhân giống khỉ dùng cho phòng thí nghiệm trong nước. Hiện các nhà khoa học Mỹ có thể lấy nguồn động vật từ 7 trung tâm nghiên cứu linh trưởng quốc gia, cũng là các cơ sở nhân giống tại Mỹ do Viện Y tế Quốc gia Mỹ tài trợ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.