Mỹ muốn tuyến cáp quang Thái Bình Dương không đi qua Hồng Kông

Khánh An
Khánh An
18/06/2020 13:00 GMT+7

Giới chức Mỹ lo ngại tuyến cáp quang mới xuyên Thái Bình Dương với điểm kết nối đầu tiên tại Hồng Kông sẽ giúp Trung Quốc tiếp cận thông tin.

Hãng AFP ngày 18.6 đưa tin các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ khuyến cáo rằng tuyến cáp quang biển lưu lượng cao do Google và Facebook đề xuất sẽ không đi qua Hồng Kông, do các quan ngại liên quan đến việc Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia đối với đặc khu.
Mạng lưới Cáp quang Thái Bình Dương (PLCN) đang chờ phê duyệt của Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) nên kết nối Mỹ, Đài Loan và Philippines nhưng không nên đi qua Hồng Kông như dự kiến, theo khuyến cáo.
Bộ Tư pháp cho rằng tuyến cáp quang giúp truyền tải thông tin đáng kể giữa Mỹ xuyên Thái Bình Dương có thiết kế sẽ kết nối với Hồng Kông trước rồi mới đến những nơi khác ở châu Á.
Theo khuyến cáo, tuyến cáp quang có trạm đất liền ở Hồng Kông theo đề xuất sẽ “phơi bày lưu lượng truyền thông của Mỹ” để Trung Quốc có thể tiếp cận.
Cách đây 4 năm, Google và Facebook thông báo kế hoạch cùng một công ty con của China Soft Power lắp đặt tuyến cáp mạng lưu lượng cao PLCN kết nối Los Angeles với Hồng Kông.
PLCN dài 12.800 km dưới đáy biển và là tuyến đầu tiên kết nối trực tiếp 2 điểm trên, với tốc độ lên đến 120 terabyte/giây, đủ để thực hiện 80 triệu hội nghị trực tuyến giữa 2 bên. Theo đề xuất của Facebook khi đó, phần lớn các cáp quang biển đều kết nối Mỹ với Nhật Bản.

Trưởng đặc khu Hồng Kông gọi người phản đối luật an ninh là "kẻ thù của nhân dân"

Liên quan đến vấn đề Hồng Kông, ngoại trưởng các nước G7 vừa ra thông cáo kêu gọi Trung Quốc xem xét lại luật an ninh dành cho Hồng Kông.
“Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi chính phủ Trung Quốc xem xét lại quyết định này”, theo thông cáo đưa ra ngay trước cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Hawaii.
Theo G7, quyết định của Trung Quốc không phù hợp với Luật Cơ bản Hồng Kông và các cam kết quốc tế liên quan đến các nguyên tắc ràng buộc pháp lý của Tuyên bố chung Trung Quốc – Anh.
“Chúng tôi cũng cực kỳ lo ngại rằng hành động này sẽ tước đi và đe dọa các quyền cơ bản và tự do của một bộ phận dân số được bảo vệ bởi pháp quyền và sự tồn tại của một hệ thống tư pháp độc lập”, theo thông cáo.
Thành lập từ năm 1976, G7 là nhóm các nước có nền kinh tế phát triển, bao gồm Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý.
Cũng trong ngày 18.6, hãng Reuters dẫn lời ông Dương Khiết Trì cho rằng Mỹ cần tôn trọng quan điểm của Bắc Kinh đối với các vấn đề then chốt, ngừng can thiệp vào các vấn đề như Hồng Kông, Đài Loan, Tân Cương, và nỗ lực hàn gắn mối quan hệ song phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.