Động thái trên do Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley tiết lộ tại một sự kiện hôm 6.12, theo Reuters. “Chúng tôi đang tiến hành một nghiên cứu, một phân tích ngay lúc này, để đảm bảo cho các kế hoạch chiến tranh, kế hoạch dự phòng của chúng tôi...để đảm bảo chúng tôi đã tính toán, ước tính đúng”, ông Milley nhấn mạnh.
“Chúng tôi sẽ quay trở lại ngành (sản xuất vũ khí) để thực hiện bất kỳ hành động khắc phục... nhằm đảm bảo chúng tôi có mức dự trữ phù hợp cho những trường hợp có thể xảy ra”, ông Milley nói. Quân đội Mỹ có các kế hoạch dự phòng cho các cuộc xung đột tiềm ẩn trên khắp thế giới, bao gồm số lượng quân, thiết bị và đạn dược có thể được yêu cầu.
Quân nhân Nga đứng gần một súng máy tại vị trí chiến đấu trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, bên tả ngạn sông Dnipro ở tỉnh Zaporizhzhia thuộc miền nam Ukraine ngày 26.11 |
Reuters |
Tướng Milley tiết lộ động thái trên sau khi các quan chức phương Tây cho rằng Nga đã sử dụng một tỷ lệ đáng kể đạn dược dẫn đường chính xác trong chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine và ngành công nghiệp quốc phòng Nga không thể sản xuất tất cả các loại đạn dược và hệ thống vũ khí do lệnh trừng phạt của phương Tây, theo Reuters. Trong khi đó, Ukraine, đang được các nước phương Tây trang bị vũ khí, cũng đang sử dụng pháo và các loại vũ khí khác với tốc độ chóng mặt.
Mỹ nghiên cứu mức đạn dược trong xung đột ở Ukraine, Đức từ chối gửi Patriot cho Ukraine |
Mỹ cho rằng CHDCND Triều Tiên đang bí mật cung cấp cho Nga một số lượng “đáng kể” đạn pháo cho chiến sự ở Ukraine. Nga cũng được cho là đã mua máy bay không người lái từ Iran để tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng điện ở Ukraine.
Trước đó, Hãng thông tấn KCNA ngày 8.11 dẫn lời một quan chức quốc phòng Triều Tiên tuyên bố nước này chưa bao giờ có giao dịch vũ khí với Nga và không có kế hoạch làm vậy, sau khi người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói Washington có thông tin cho thấy Triều Tiên đang bí mật cung cấp cho Nga một số lượng “đáng kể” đạn pháo.
Còn về phía Iran, Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian ngày 5.11 lần đầu thừa nhận Tehran có cung cấp UAV cho Nga, nhưng khẳng định việc này diễn ra trước khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine, theo AP.
Ba Lan sẽ nhận tên lửa Patriot từ Đức
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak ngày 6.12 cho biết nước này sẽ chấp nhận tên lửa Patriot từ Đức sau khi đã kêu gọi Berlin chuyển chúng đến Ukraine. “Sau khi nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Đức, tôi rất thất vọng khi phải chấp nhận quyết định từ chối hỗ trợ Ukraine”, Bộ trưởng Blaszczak viết trên Twitter, theo AFP. “Triển khai Patriot ở phía tây Ukraine vốn sẽ tăng cường an ninh cho Ba Lan và Ukraine. Vì vậy, chúng tôi tiến hành các thỏa thuận làm việc liên quan đến việc bố trí hệ thống này ở Ba Lan”, ông Blaszczak viết tiếp.
Ngân sách quốc phòng Đức 'còn lâu' mới đạt mục tiêu của NATO |
Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức cho biết hai nước đã “thảo luận tốt về đề nghị của Đức triển khai các hệ thống Patriot của Đức tới Ba Lan và họ đã đồng ý về nguyên tắc”. Vị phát ngôn viên cho AFP hay: “ Những chi tiết như địa điểm triển khai có thể và cơ sở hạ tầng cần thiết hiện đang được thảo luận ở cấp độ kỹ thuật và một đội trinh sát sẽ được gửi ngay đến Ba Lan”.
Đức đã đề nghị triển khai hệ thống Patriot tiên tiến, do Mỹ sản xuất, tới Ba Lan sau vụ nổ chết người bị cho là do một tên lửa phòng không của Ukraine bay lạc vào một ngôi làng của Ba Lan trong tháng trước. Tuy nhiên, các nhà chức trách Ba Lan đã yêu cầu Berlin chuyển hệ thống này sang Ukraine để giúp Kyiv tự vệ trước các loạt tên lửa của Nga.
Vào thời điểm đó, Đức đã trả lời rằng họ sẽ phải thảo luận với NATO về bất kỳ đề xuất gửi hệ thống Patriot tới Ukraine vì đây là một phần trong hệ thống phòng thủ tích hợp của liên minh. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sau đó nói rằng việc đó do Đức quyết định.
Các đồng minh NATO đã chuyển vũ khí trị giá hàng tỉ USD cho Ukraine để giúp nước này chống lại chiến dịch quân sự của Nga, trong đó có cả các hệ thống phòng không hiện đại. Đức đã cung cấp cho Kyiv hệ thống Iris-T tầm trung như một phần trong nỗ lực của các nước phương Tây nhằm hỗ trợ Ukraine.
Thiết bị quân sự của Mỹ cập cảng Ba Lan |
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh NATO khác đã tránh xa việc gửi hệ thống Patriot tầm xa tới Ukraine. Hệ thống của Mỹ là một phần quan trọng trong hệ thống phòng không của NATO ở sườn phía đông. Washington đã triển khai Patriot tới Ba Lan và Berlin cũng đã triển khai hệ thống này tới Slovakia, theo AFP.
Bình luận (0)