Mỹ - Nhật lấn cấn chuyện nâng cấp tiêm kích ‘Đại bàng’

Khánh An
Khánh An
25/04/2021 13:00 GMT+7

Dự án nâng cấp tiêm kích F-15 Eagle bị trì hoãn vì Nhật Bản “không thể chi khoản tiền mình không có”.

Mỹ và Nhật Bản thể hiện sức mạnh và sự thống nhất của liên minh tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Washington vào tuần trước, nhưng có một câu trong bản tuyên bố chung của 2 nhà lãnh đạo sau cuộc họp ẩn chứa một vấn đề song phương đang lấn cấn.
Theo tuyên bố chung, Nhật “quyết tâm tăng cường năng lực phòng vệ”, bao gồm hiện đại hóa các tiêm kích F-15 trong kế hoạch trọng yếu nhằm duy trì lợi thế trên không.

“Đại bàng” chờ đợi

Tuy nhiên, theo Nikkei Asia, Nhật tạm ngưng chi cho việc nâng cấp tiêm kích F-15 Eagle sau khi Mỹ tăng gấp 3 lần chi phí ước tính so với con số ban đầu.

Không quân Mỹ đặt tên cho F-15 thế hệ mới là Chim ưng II

Trong cuộc gặp đầu tiên vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi kêu gọi người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin đàm phán lại về chi phí nâng cấp F-15, đề nghị phía Mỹ “cân nhắc thêm một chút”. Ông Kishi cho biết việc trì hoãn sẽ ảnh hưởng năng lực phòng vệ của Nhật.
Kế hoạch quốc phòng 5 năm của Nhật từ tài khóa 2019 đề cập đến việc nâng cấp một phần trong số 200 tiêm kích F-15 của Lực lượng phòng vệ trên không (ASDF), nhằm mang theo các tên lửa tầm xa và vũ khí chiến tranh điện tử.

Các tiêm kích F-15 của Mỹ

Ảnh: USAF

Ban đầu, Mỹ ước tính chi phí nâng cấp và mua các trang bị cần thiết là vào khoảng 745 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó phía Mỹ thông báo rằng chi phí này đã tăng lên 2,2 tỉ USD. Nguyên nhân do hết các trang bị chiến tranh điện tử và cần các bước đặc biệt để chế tạo.
Bộ trưởng Kishi chỉ đạo các quan chức trả lời với Washington rằng Tokyo “không thể chi khoản tiền mình không có”, và tìm cách đàm phán.

Chi phí biến động

Đây không phải là khoản chi phí tăng vọt ngoài dự kiến mà Tokyo được đề nghị phải chấp nhận. Không giống như các giao dịch xuyên biên giới khác, nhiều khoản mua sắm về phòng vệ từ Mỹ, bao gồm gói nâng cấp F-15, phải thông qua chương trình Buôn bán Quân sự nước ngoài.
Bên mua phải ký một hợp đồng với chính phủ Mỹ, thay vì ký trực tiếp với nhà sản xuất. Do đó, các điều khoản có thể thay đổi và thực tế điều này thường xảy ra.
Chẳng hạn như khi chi phí ước tính được đưa ra vào thời điểm đạt thỏa thuận, chi phí thực tế có thể tăng lên sau đó, khi nhà sản xuất đánh giá thỏa thuận. Việc bàn giao đôi khi cũng bị hoãn vì những tình huống ở phía Mỹ.
Nhật từng gặp vấn đề này gần đây với hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore, khi giá ước tính là 740 triệu USD vào thời điểm quyết định trang bị lại tăng lên đáng kể sau đó, khiến nước này phải dừng dự án.
F-15 Eagle là tiêm kích có 2 động cơ, 1 - 2 chỗ ngồi do hãng McDonnell Douglas (nay thuộc Boeing) thiết kế, sản xuất từ những năm 1970 để cạnh tranh và giành ưu thế không chiến với tiêm kích MiG-25 của Liên Xô. F-15 có nhiều biến thể, mới nhất là loại F-15SE Silent Eagle (2 chỗ ngồi) với khả năng mang đến 16 quả tên lửa. Boeing dự định sản xuất F-15 đến năm 2022 mới ngừng.
Tiêm kích F-15 có tốc độ tối đa 2.600 km/giờ, bay cao 20 km, tầm hoạt động gần 5.500 km, bán kính chiến đấu khoảng 2.000 km. Khối lượng vũ khí mang theo đến 8 tấn (gắn dưới cánh và bụng). Riêng loại F-15 của Nhật là phiên bản F-15J (1 chỗ ngồi) và F-15 DJ (huấn luyện, 2 chỗ ngồi) do Mitsubishi lắp ráp theo nhượng quyền từ 1981 - 1997.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.