Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến Washington D.C gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày (30.11 - 2.12). Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một lãnh đạo nước ngoài tại Mỹ dưới thời ông Biden.
Ông Macron và ông Biden trong quốc yến tối 1.12 |
Reuters |
Ông Biden và phu nhân đã tiếp đón Tổng thống Pháp cùng phu nhân một cách trọng thị, với quốc yến có sự góp mặt của nhiều ngôi sao, âm nhạc của Jon Batiste và rượu vang Chardonnay từ thung lũng Napa. Song Ukraine, nơi đang diễn ra xung đột quân sự nghiêm trọng nhất châu Âu kể từ Thế chiến 2, vẫn là vấn đề cấp bách nhất đối với hai nhà lãnh đạo.
“Gặp nhau giữa đường”
Ông Biden đến nay vẫn từ chối đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2. Trong khi đó, ông Macron vẫn duy trì liên lạc với Điện Kremlin và nhiều lần cho thấy ông muốn đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.
Xem nhanh: Chiến dịch ngày 281, Nga-Ukraine lầy lội trong 'vòng xoáy' Bakhmut |
Trong một động thái có thể khiến người đồng cấp Pháp cảm thấy vui lòng, ông Biden hôm 1.12 cho biết ông “sẵn sàng nói chuyện với ông Putin nếu ông ấy quan tâm đến việc tìm kiếm giải pháp kết thúc cuộc chiến”, cũng như sau khi tham vấn với các đồng minh NATO. Theo tổng thống Mỹ, ông hiện chưa nhìn thấy mong muốn đó ở ông Putin và trước mắt không có kế hoạch liên hệ với nhà lãnh đạo Nga. “Tôi rất vui lòng ngồi xuống với ông Putin để xem ông ấy nghĩ gì”, ông Biden nói trong cuộc họp báo chung với ông Macron tại Nhà Trắng, theo báo The New York Times.
Thể hiện sự đồng lòng với Washington, ông Macron nói Pháp sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine và “sẽ không bao giờ thúc giục người Ukraine đi đến một thỏa hiệp không thể chấp nhận được đối với họ”. Ông cũng sẽ tiếp tục đối thoại với Tổng thống Putin để “cố gắng ngăn chặn sự leo thang và đạt được một số kết quả cụ thể”, chẳng hạn như sự an toàn của các nhà máy hạt nhân.
Những phát biểu trên cho thấy hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau ở giữa đường, với việc ông Biden tỏ ra cởi mở hơn về một giải pháp thông qua đàm phán, và ông Macron thể hiện sự ủng hộ rõ ràng hơn đối với quyết tâm của Ukraine, The New York Times nhận định. Đó là màn biểu dương quan trọng cho thấy sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương, trước một mùa đông được dự báo sẽ tạo ra thêm nhiều áp lực cho Ukraine cũng như các nền kinh tế châu Âu đang sống giữa nỗi lo năng lượng.
Tổng thống Pháp Macron đến Mỹ trong chuyến thăm quan trọng, căng thẳng song phương vẫn còn |
Các quan chức Pháp cho biết trong cuộc họp kín kéo dài 3 tiếng, ông Biden và ông Macron đã nhất trí rằng việc giành được nhiều thắng lợi hơn trên chiến trường sẽ giúp Ukraine có được đòn bẩy quan trọng trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga. Trên thực tế, việc hai bên ngồi xuống đàm phán lúc này dường như vẫn còn xa vời.
Xoa dịu căng thẳng
Chuyến đi của ông Macron diễn ra giữa lúc quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương đã có những dấu hiệu rạn nứt vì chiến sự kéo dài. Xung đột Nga - Ukraine đã khiến châu Âu hứng chịu thiệt hại kinh tế sâu sắc hơn so với Mỹ, sau khi Moscow cắt giảm nguồn cung khí đốt, đẩy giá năng lượng tăng cao. Trong bối cảnh đó, chính quyền Mỹ thông qua Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) nhằm trợ cấp cho các nhà sản xuất Mỹ trong lĩnh vực năng lượng xanh.
Các khoản trợ cấp mới đã gây ra sự thất vọng sâu sắc trong các đồng minh của Washington và làm căng thẳng mối quan hệ Mỹ - Pháp vốn đã rạn nứt từ năm ngoái khi chính quyền Biden đẩy Paris ra khỏi hợp đồng cung cấp tàu ngầm trị giá hàng tỉ USD cho Úc.
Châu Âu bức xúc vì Mỹ "hưởng lợi nhiều nhất" từ xung đột Ukraine |
Tại cuộc họp báo hôm 1.12, ông Biden cho biết ông “không xin lỗi” về IRA, nhưng tỏ dấu hiệu sẵn sàng “điều chỉnh” luật này để xoa dịu những lo ngại của EU, theo The Wall Street Journal. Ông Macron cho biết ông “tin tưởng” rằng vấn đề IRA có thể đạt được tiến bộ nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
EU nhất trí về trần giá dầu Nga
Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao cho hay EU hôm 1.12 đã tạm thời đồng ý về mức trần 60 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, đi kèm cơ chế điều chỉnh để giữ trần giá ở mức thấp hơn 5% so với giá thị trường.
Thỏa thuận vẫn cần sự chấp thuận của tất cả các chính phủ EU thông qua văn bản vào ngày 2.12. Một nhà ngoại giao EU cho biết Ba Lan, quốc gia đã thúc đẩy mức trần càng thấp càng tốt, đến tối 1.12 vẫn chưa xác nhận liệu họ có ủng hộ thỏa thuận hay không.
Bình luận (0)