Hải quân Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng một bầy máy bay không người lái (UAV) để tiêu diệt tàu chiến. Theo Forbes, thử nghiệm này diễn ra trong cuộc tập trận UxS IBP 21 ngoài khơi bang California gần đây.
Thông tin được các chỉ huy hải quân Mỹ tiết lộ trong cuộc họp báo qua điện thoại hồi cuối tháng 4, theo trang Sea Power Magazine. Trong cuộc tập trận, hải quân Mỹ đã kết hợp các loại vũ khí như UAV, tàu ngầm không người lái, tàu nổi không người lái để thực hiện cuộc tấn công theo kiểu bầy đàn có phối hợp nhằm tạo hiệu ứng lớn nhất.
Mặc dù số lượng và chủng loại UAV được sử dụng trong cuộc tập trận không được các quan chức mô tả chi tiết, giới chuyên gia cho biết hầu hết những thử nghiệm trước đây của hải quân Mỹ đều liên quan đến UAV Coyote của hãng Raytheon.
|
UAV này nặng gần 6 kg, dài 1,5 m với phần cánh sẽ bung ra sau khi được phóng lên từ một chiếc ống hình trụ tròn. UAV này có thể mang theo thiết bị tác chiến điện tử lẫn đầu đạn nổ. Chương trình Công nghệ bầy UAV giá rẻ (LOCUST) của hải quân Mỹ từng thử nghiệm cuộc tấn công với bầy 50 chiếc UAV Coyote.
Ý tưởng của hình thức này là áp đảo hệ thống phòng thủ của đối phương bằng thật nhiều UAV. Việc sử dụng hình thức tấn công này có ưu điểm là tiết kiệm chi phí khi cả bầy UAV có thể có giá rẻ hơn so với một tên lửa. Các đầu đạn nhỏ có thể phá hủy radar và các hệ thống quan trọng khác, mở đường cho các vũ khí lớn hơn tấn công. Thậm chí, một bầy UAV được cho là có thể gây thiệt hại nghiêm trọng bằng cách tấn công chính xác vào những điểm yếu của đối phương.
LOCUST được thiết kế để phóng từ tàu chiến trong khi hải quân Mỹ cũng đang phát triển bầy UAV phóng từ tàu ngầm và từ máy bay. Hồi năm 2020, hải quân Mỹ tiết lộ đã thử nghiệm phóng đến 1.000 UAV CICADA từ một máy bay vận tải C-130. CICADA là UAV siêu nhỏ với sải cánh chỉ 15 cm nhưng có thể mang theo thiết bị tác chiến điện tử hoặc cảm biến đến một vị trí cụ thể. UAV này đã tham gia nhiều chương trình thử nghiệm của hải quân Mỹ trong 15 năm qua và là “kẻ đóng thế” hữu dụng cho các máy bay đắt tiền hơn.
|
Thông điệp đến Trung Quốc
Mục tiêu mà chương trình bầy UAV của Mỹ nhắm đến được cho là nhằm chống lại chiến lược phong tỏa/chống tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc, theo Forbes. Chiến lược này bao gồm nhiều lớp tên lửa và radar nhằm buộc tàu chiến và máy bay Mỹ tránh xa khu vực mà Bắc Kinh muốn kiểm soát.
Các hệ thống không người lái giúp quân đội Mỹ thực hiện cuộc tấn công và giảm rủi ro cho binh sĩ hoặc những nguy cơ leo thang khác nếu có thương vong. Việc sử dụng bầy UAV cũng có thể tùy thuộc vào mức độ căng thẳng của xung đột, không giống như tên lửa chỉ được dùng khi xung đột lớn xảy ra.
Bầy UAV có thể được dùng ở mức độ quấy nhiễu một mục tiêu, gây nhiễu các hệ thống liên lạc và điều hướng, hoặc ở mức độ cao hơn là phá hủy các cột phát sóng và cơ sở hạ tầng khác hoặc tấn công tàu chiến. Dù cuộc xung đột xảy ra ở bất kỳ quy mô nào thì bầy UAV cũng được cho là có thể đóng một vai trò trong tác chiến.
Bình luận (0)