Mỹ sắp rút, Trung Quốc rạo rực nhảy vào Afghanistan

Khánh An
Khánh An
13/07/2021 16:00 GMT+7

Giới thạo tin cho rằng Trung Quốc nôn nóng nhảy vào Afghanistan đến mức không thể chờ Mỹ rút quân hoàn toàn.

Trong khi Mỹ đang rút quân khỏi Afghanistan, Trung Quốc đang chuẩn bị lấp vào khoảng trống, nhờ vị trí chiến lược phục vụ tham vọng vươn đến Trung Đông và châu Âu.
Trang The Daily Beast dẫn một nguồn tin thân với giới chức Afghanistan cho biết Bắc Kinh sắp hưởng thế độc quyền vào Afghanistan với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), trong khi Kabul cũng tỏ ra chào đón.
Dự kiến song phương sẽ tăng cường mở rộng Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) trị giá 62 tỉ USD, dự án nổi bật của BRI, bao gồm việc xây các xa lộ, đường sắt và đường ống nhiên liệu giữa Trung Quốc với Pakistan và sang Afghanistan.

Tổng thống Mỹ: Tương lai của Afghanistan là trách nhiệm của người dân Afghanistan

Chờ Mỹ rút

Nói cách khác, sau hậu trường, Afghanistan có thể đang chào đón Trung Quốc ngay lập tức sau khi chia tay Mỹ.
Trong Quốc luôn kiên trì theo đuổi việc mở rộng BRI sang Afghanistan và đã đề nghị Kabul tham gia từ ít nhất 5 năm trước. Tuy nhiên, chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn chần chừ vì lo ngại điều này khiến Washington phải nhíu mày.
“Đã có sự phối hợp liên tục giữa chính phủ Afghanistan và Trung Quốc trong vài năm qua, khiến Mỹ nghi ngờ đối với chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani”, theo nguồn tin.

Căn cứ Bagram ở Afghanistan sau khi các lực lượng Mỹ và NATO rút

Ảnh: AFP

Theo đó, một quan chức đối ngoại cấp cao của Afghanistan kể rằng các quan chức Trung Quốc đã liên hệ với Ngoại trưởng Afghanistan Salahuddin Rabbani cách đây khỏng 5 năm để thảo luận về việc mở rộng CPEC và BRI.
Ông Rabbani tỏ ra quan tâm, cho đến khi một đại sứ Ấn Độ bày tỏ quan ngại với đại sứ Mỹ ở Kabul. Sau cùng, đại sứ Mỹ đã tác động khiến ông Rabbani dừng đối thoại về CPEC với phía Trung Quốc.
Chuẩn bị sẵn
Nằm trong chiến lược từ trong nước, Trung Quốc đã triển khai một số dự án trong đó có việc xây dựng sân bay Taxkorgan tại cao nguyên Pamirs thuộc vùng tây bắc Tân Cương giáp với Afghanistan. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn là bên thi công và điều hành cảng biển Gwadar tại tỉnh Balochistan của Pakistan giáp với Afghanistan. Cả 2 dự án đang được phát triển trong khuôn khổ Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC).
Việc phối hợp giờ đây càng gia tăng trong bối cảnh Mỹ rút quân và Kabul cần một đồng minh có nguồn lực, sự ảnh hưởng và khả năng hỗ trợ quân sự.
Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo kế hoạch rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tháng trước xác nhận rằng thực ra Trung Quốc đã thảo luận với các bên thứ 3, bao gồm Afghanistan, về việc mở rộng CPEC.

Căn cứ chiến lược

Cũng theo giới thạo tin, một trong những dự án đang bàn thảo giữa 2 bên là việc Trung Quốc hỗ trợ xây một tuyến đường chính nối Afghanistan với thành phố Peshawar ở phía bắc Pakistan vốn đã kết nối với CPEC.
Việc kết nối Kabul với Peshawar có nghĩa là Afghanistan đã chính thức tham gia CPEC.

Sân bay Taxkorgan tại cao nguyên Pamirs ở Tân Cương

Ảnh chụp màn hình Kurio

Xét về vị trí, Afghanistan có thể cung cấp Trung Quốc một căn cứ chiến lược nhằm bành trướng khắp thế giới, do nằm tại vị trí là trung tâm thương mại kết nối Trung Đông, Trung Á và châu Âu.
“Trung Quốc đã cẩn thận tạo quan hệ với nhiều lãnh đạo chính trị để được ủng hộ đối với các dự án ở Afghanistan”, một nguồn tin cho biết và phân tích rằng rõ ràng việc đầu tư sẽ giúp thúc đẩy kinh tế, tạo việc làm, nhưng bối cảnh chính trị của Afghanistan phân hóa và có thể một số lãnh đạo thiểu số sẽ phản đối BRI.

Mỹ rút quân, lính đặc nhiệm Afghanistan căng sức đối phó với Taliban

Trung Quốc còn được cho là đã liên lạc thường xuyên với đại diện của lực lượng Taliban kể từ tháng 2 năm ngoái.
Ông Sudha Ramachandran, chuyên gia Ấn Độ thường phân tích các vấn đề chính trị và an ninh tại Nam Á cho rằng Trung Quốc có thể đạt sự ủng hộ của Taliban vì lực lượng này đã nói sẽ ủng hộ các dự án phát triển nếu phục vụ lợi ích cho đất nước Afghanistan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.