Truyền thống của đương đại
Ông Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng thiết kế ứng dụng, nhớ khá chi tiết về bộ bàn ghế mây của nghệ nhân Hoàng Văn Hời (Hà Nội). Bộ bàn ghế có cách đan mây khá lạ mắt và nuột nà. Tỷ lệ của bộ bàn ghế cũng phù hợp với người Việt. “Đây là một cách đan mây rất lạ và cũng có trên thế giới. Tuy nhiên, tác giả đã áp dụng với nhiều kỹ thuật khác để tạo ra tác phẩm đẹp. Về tỷ lệ, cả hội đồng 5 người lần lượt ngồi thử bộ ghế rồi. Phải nói là nó vừa vặn với phom người, công năng rất tốt, vật liệu thân thiện”, ông Nam nói. Bộ bàn ghế này sau đó được giải nhì.
|
Không chỉ tác phẩm của ông Hoàng Văn Hời kết hợp Đông - Tây như vậy, nhiều tác phẩm khác trong triển lãm cũng mang nét truyền thống đến hiện đại rất thú vị. Chẳng hạn, bộ cửa gỗ được giải nhất của tác giả Trần Nam Tước (Hà Nội) đã kết hợp kỹ thuật đục xưa và sơn Nhật - một vật liệu mới. “Tôi muốn giữ lại truyền thống đục xưa của các cụ và áp dụng đục bấm trong bộ cửa này. Cách đục này hiện giờ rất ít người làm. Phần lớn họ thích đục lên khối dày, thích dát vàng nhiều. Mình thì muốn đục bấm và sau đó vẽ tranh. Tôi đục rồi vẽ lên nét đục bằng dòng sơn Nhật, sơn đó chịu được nắng gió. Thời đại của mình mở rồi. Nên với một tác phẩm việc ai vẽ, vẽ thế nào mới là quan trọng”, ông Tước tâm sự.
Cùng lúc, tác phẩm bình gốm Ngũ sắc liên hoa của Trần Đức Tân (Hà Nội) lại là một nghiên cứu tạo hiệu ứng mới cho gốm Bát Tràng. Tác phẩm của ông tuy là gốm nhưng lại có những mảng trắng linh hoạt như hiệu ứng cẩn trứng của sơn màu. Từng mảng màu vẽ có những vệt màu linh hoạt giàu tính chuyển động. “Tôi đã nghiên cứu dòng gốm này cả chục năm mới ra được. Đương nhiên, gốm truyền thống các cụ làm ra cũng có giá trị, có nguồn cội rồi, nhưng tôi muốn có những giá trị gốm mới của thế kỷ 21. Như là đưa dân ca đương đại ra thế giới đấy”, ông nói.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội đồng thiết kế trang trí, đánh giá: “Có thể thấy đây là triển lãm có chất lượng. Vẻ đẹp truyền thống vẫn được tác giả đương đại tiếp tục, và vẫn được bảo trọng. Nó là truyền thống có hơi thở đương đại”.
Thương mại hóa và nghệ nhân trẻ
Chiều nay (4.10), trong lễ khai mạc Triển lãm mỹ thuật công nghiệp toàn quốc (2014 - 2019), ban tổ chức sẽ trao các giải thưởng.
Ở hạng mục Giải thưởng sáng tạo, giải nhì thuộc về: bộ trang sức cưới lấy hình tượng phượng hoàng trong hoa văn cung đình Huế của Nguyễn Võ Kim Ánh (TP.HCM), bộ poster Hãy xóa bỏ định kiến với người đồng tính của Nguyễn Thị Thu Dung (TP.HCM). Giải ba: logo các thương hiệu của Lê Quý Hải (Hà Nội), thiết kế giao diện game mobile Thạch Sanh của Hoàng Văn Nhân (Hà Nội).
Ở hạng mục Giải thưởng sản phẩm trang trí, giải nhất thuộc về bộ cửa trung hiếu môn của Trần Nam Tước (Hà Nội). Giải nhì: trang trí chạm khắc gỗ kẻ hiên, vì chóp nhà gỗ của Nguyễn Văn Giang (Hà Nội). Giải ba: Lá sen cuối thu của Đỗ Văn Cường (Hà Nội), Ngũ sắc liên hoa của Trần Đức Tân (Hà Nội).
Ở hạng mục Giải thưởng sản phẩm ứng dụng, giải nhất: Bộ đèn đan vảy rồng của Nguyễn Văn Tĩnh (Hà Nội). Giải nhì: bộ bàn ghế mây của Hoàng Văn Hời (Hà Nội). Giải ba: bộ hộp 3 tầng Nguyễn Minh Phú (Hà Nội), bộ sưu tập Giăng tơ của Trần Thị Thu và Phạm Thị Thúy Hồng (Hà Nội).
|
Ông Trần Nam Tước cũng vui vẻ chia sẻ, bộ cửa dự thi ông làm cho chính gia đình mình. Tuy nhiên, sau khi nhìn thấy bộ cửa này, nhiều đơn hàng đặt cửa tương tự đã đến. Thậm chí, có người đặt liền 3 bộ. “Ước tính mỗi bộ khoảng 260 triệu đồng. Họ muốn làm giống, nhưng tôi cũng nói là nên làm kiểu như vậy, còn vẫn có cái khác đi để sáng tạo”, ông Tước nói.
|
Chủ của doanh nghiệp Gỗ Giang cũng ẵm giải nhì cho trang trí chạm khắc gỗ kẻ hiên, vì chóp nhà gỗ. Ghi nhận về nghề này làm anh vui hơn vì trước đó Gỗ Giang đã là một doanh nghiệp dựng nhà cổ bằng gỗ lúc nào cũng ăm ắp đơn hàng. Tuy chỉ nhận giải khuyến khích, nhưng bộ tượng gỗ của nghệ nhân Nguyễn Viết Lợi cho thấy hướng đi rất thú vị của ông là đúng. Nghệ nhân này đang có nhiều đơn hàng tượng thờ, đặc biệt là tượng thờ cho đạo Mẫu. “Tôi nghĩ, những giải thưởng như thế này cho thấy các nghệ nhân trẻ đã không rời bỏ làng nghề. Chúng ta hy vọng ở nghệ nhân trẻ thời sau, hy vọng ở khả năng khôi phục các làng nghề. Các nghệ nhân trẻ đang nỗ lực cách tân để đáp ứng thị hiếu người Việt đương đại”, ông Lương Xuân Đoàn nói.
Mặc dù vậy, cuộc chơi mỹ thuật ứng dụng 5 năm vẫn bị cho là chưa hút được tổng lực người làm mỹ thuật toàn quốc. “Chúng ta còn thiếu nhiều sản phẩm ở lĩnh vực thiết kế đồ chơi và phương tiện học tập; thiết kế thủy tinh; thiết kế thảm; thiết kế phụ kiện thời trang; thiết kế đồ họa truyền thông… lĩnh vực tạo dáng công nghiệp ít sản phẩm tham dự”, ông Hồ Nam nói.
Một mảng mà ông Nam thấy rất tiếc là các phụ kiện thời trang. “Có nhiều trang sức gửi về nhưng tính ứng dụng kém”, ông nói.
Năm nay, lần đầu tiên triển lãm mỹ thuật công nghiệp toàn quốc có thiết kế giao diện game dự và đoạt giải. Mặc dù vậy, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), cho biết số lượng game dự thi chưa nhiều như trong đời sống thực.
Bình luận (0)