ĐÔNG TÂY HỘI NGỘ
Các tác phẩm của cố họa sĩ Nguyễn Trí Minh nổi tiếng ở miền Nam từ năm 1949, từ Mỹ đã về VN sau gần 50 năm. Triển lãm Sứ giả hội họa tại Vy Gallery (Q.1, TP.HCM) mang đến người xem 24 tác phẩm của một họa sĩ từng tiên phong vẽ sơn dầu bằng dao (tiếng Pháp: couteau; tiếng Anh: palette knife), sáng tác vào những năm cuối đời bằng chất liệu acrylic, từ bộ sưu tập của người bạn đời Pauline Nhung Nguyễn.
Nói về tác giả, nhà sưu tập Văn Quân chia sẻ: "Vừa ra trường năm 1946, Nguyễn Trí Minh đã được mời tham gia triển lãm từ trong đến ngoài nước, từ Nhà hát Tây của Sài Gòn cho tới Bảo tàng Mỹ thuật Hiện đại của Paris (Pháp). Phong cách vẽ ấn tượng của ông là sự kết hợp kỳ lạ của Đông - Tây, của nét bút phóng khoáng đầy năng lực với màu sắc hài hòa tươi sáng. Vì thế tranh của ông nằm trong các bộ sưu tập của người hâm mộ khắp thế giới. Ông sử dụng nhiều chất liệu như sơn dầu, màu nước, acrylic, sơn mài. Sở trường về tranh phong cảnh, ông đã nổi tiếng với các tác phẩm ao sen bờ trúc tại quê nhà nên ra hải ngoại, càng nổi tiếng".
Tại không gian The World Artspace (P.Thảo Điền, TP.HCM), họa sĩ Đặng Thị Phượng tự tin mang Bóng thời gian vào phương Nam. Chị chọn cách tiếp cận Huế ở khía cạnh tiểu tự sự, để câu chuyện vừa vặn, đủ riêng tư và đủ tự do. Phượng chắt lọc các họa tiết, câu chuyện từ trong kiến trúc, di sản Huế để tái kiến thiết trong không gian mới, bằng phương pháp khơi gợi không áp đặt lên tư tưởng, tình cảm…, thực sự gây bất ngờ cho người xem. Ngay trong buổi ra mắt, hơn nửa các tác phẩm của chị đã tìm được chủ mới.
Nóng nhất trong tháng 3 này là 62 tác phẩm chọn lọc từ những tác phẩm mới của họa sĩ Đoàn Việt Tiến. Ngay trong buổi triển lãm Nguồn sáng bất tận tại Hội Mỹ thuật TP. HCM, toàn bộ số tranh của kỷ lục gia Đoàn Việt Tiến mang đến đều bán hết ở chiều khai mạc. Chưa kể, tiếp đó là liên tục các triển lãm mỹ thuật khác luôn thu hút khán giả đến xem và mua tranh: Miền yêu thương (nhóm S.A.G ở Hội Mỹ thuật TP.HCM từ 6 - 12.3), Lê Đại Chúc - ngày trở về (Lê Đại Chúc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ 4 - 8.3); Đi biển có đôi (Nguyễn Công Hoài ở Alpha Art Station từ 2.3); Làm màu (ng.anhanh tại Chu Artspace từ 6.3)…
THỊ TRƯỜNG TRANH SÔI ĐỘNG
Tin chấn động giới mỹ thuật VN, một trong những bức tranh sơn dầu nổi tiếng nhất của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn, bức Chân dung mẹ tôi chuẩn bị bước lên sàn đấu giá Paris ngày 30.3 của nhà đấu giá Art Research Paris. Ước giá khoảng 200.000/300.000 euros (khoảng 5 - 7,5 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều họa sĩ, giám tuyển VN được mời đích danh dự các triển lãm mỹ thuật danh giá của thế giới. Theo nhà phê bình mỹ thuật Ngô Kim Khôi: "Rất tự hào khi chúng ta có những họa sĩ trẻ tiếp tục mang tiếng nói VN ra khẳng định với thế giới". Ông Khôi cũng tiết lộ vừa nhận lời làm giám đốc mỹ thuật cho 2 triển lãm tranh sơn mài và tranh lụa VN đến Pháp và Ý vào tháng 6 tới.
Bên cạnh việc tranh Việt liên tục lên sàn đấu giá quốc tế, theo nhà phê bình mỹ thuật Lý Đợi, một trong những nguyên nhân góp phần làm thị trường mỹ thuật trong nước sôi động là sự xuất hiện đông đảo thế hệ sưu tập thứ 5. "So với 4 thế hệ sưu tập ở thế kỷ 20, thế hệ sưu tập thứ 5 ở đầu thế kỷ 21 ở nước ta đông đảo và đa dạng hơn. Những bức tranh đắt giá bậc nhất, những họa sĩ thời thượng…đang được người Việt săn đón, sưu tập", ông Đợi nhận định.
"Thị trường khởi sắc vì giới sưu tập đã mở rộng gu sưu tập từ tranh theo phái ấn tượng, phái hiện thực sang hiện thực hoài nghi, biểu hiện, trừu tượng, pop art (nghệ thuật đại chúng). Khoảng 5 - 7 năm trước, các triển lãm cá nhân về tranh biểu hiện hoặc trừu tượng là rất ít nhưng gần đây thì khá phổ biến. Điều này giúp cho thị trường tranh sôi động, việc sáng tạo trở nên phong phú và tư duy thẩm mỹ thêm đa dạng", ông Đợi nhấn mạnh.
Ông nói thêm một lý do của sự sôi động nữa là ngoài sự đưa tin của truyền thông, báo đài, thì gần đây hệ thống mạng xã hội, các tương tác cá nhân, việc "check-in" với triển lãm cũng là một xu thế của nhiều bạn trẻ sành điệu.
Bình luận (0)