Báo cáo được cập nhật vào ngày 28.1 vừa qua. Theo đó, những năm qua, Trung Quốc đã có nhiều hành động gây quan ngại ở cả Biển Đông lẫn biển Hoa Đông. Sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực biển lân cận nước này, bao gồm 2 vùng biển trên, có ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ về chiến lược, chính trị và kinh tế.
Trong bối cảnh như vậy, việc Mỹ tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông đã được Washington thúc đẩy dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump trong chiến lược tổng thể đối với Bắc Kinh.
Từ đó, báo cáo đặt ra vấn đề cho quốc hội Mỹ là dưới thời Tổng thống Joe Biden, thì chiến lược đối với Trung Quốc có khác người tiền nhiệm và có phù hợp với nguồn lực của Washington hay không. Qua đó, quốc hội Mỹ phải xem xét có thay đổi chiến lược phù hợp hơn hay không.
Từ mục tiêu tổng thể
Tuy nhiên, theo báo cáo trên, các nhà quan sát kết luận rằng Mỹ nên cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông với các mục tiêu chung sau (không sắp xếp theo thứ tự ưu tiên):
Thực hiện các cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực tây Thái Bình Dương, bao gồm các hiệp ước an ninh với Nhật Bản và Philippines.
Duy trì và nâng cao cấu trúc an ninh do Mỹ dẫn đầu ở Thái Bình Dương, bao gồm các quan hệ hợp tác an ninh giữa Washington với các đồng minh và đối tác ở khu vực.
Duy trì sự cân bằng quyền lực trong khu vực có lợi cho Washington cũng như các đồng minh và đối tác.
Bảo vệ nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp. Theo đó, tranh chấp giữa các quốc gia phải được giải quyết hòa bình, chứ không phải ép buộc hoặc sử dụng vũ lực. Quá trình giải quyết phải dựa trên luật pháp quốc tế, chống lại hành vi “lý lẽ của kẻ mạnh”.
Bảo vệ nguyên tắc tự do trên biển để đảm bảo quyền tự do cho mọi quốc gia cả về vùng trời và vùng biển dựa trên luật pháp quốc tế.
Ngăn chặn việc Trung Quốc trở thành bá chủ ở khu vực Đông Á hay có khả năng đạt một phần mưu đồ bá chủ, ngăn Bắc Kinh kiểm soát hoặc thống trị Biển Đông, biển Hoa Đông.
Và việc theo đuổi các mục tiêu trên như một phần trong chiến lược lớn hơn của Mỹ nhằm cạnh tranh chiến lược và định hình quan hệ với Trung Quốc.
Đến mục tiêu chi tiết
Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, theo báo cáo trên, Washington cần đạt các mục tiêu chi tiết và cụ thể như sau. Đó là ngăn cản Bắc Kinh thực hiện các hoạt động: xây dựng hạ tầng ở các thực thể trên Biển Đông; điều động binh sĩ và triển khai thêm khí tài đến các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng ở Biển Đông; khởi động xây dựng đảo nhân tạo hoặc căn cứ ở bãi cạn Scarborough; tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, các mục tiêu chi tiết còn là Washington khiến Bắc Kinh phải giảm tần suất hoặc chấm dứt các hoạt động xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Đồng thời Trung Quốc phải chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016 - đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền mà Bắc Kinh đưa ra ở Biển Đông.
Và để đạt được các mục tiêu tổng thể lẫn chi tiết, Mỹ cần có các biện pháp để khiến Trung Quốc phải trả giá về chính trị, ngoại giao và kinh tế nếu không tuân thủ. Các biện pháp như vậy không chỉ giới hạn ở Biển Đông hay biển Hoa Đông, điển hình như Mỹ có thể tìm cách đình chỉ tư cách quan sát viên của Trung Quốc trong Hội đồng Bắc Cực khiến Bắc Kinh phải trả giá về những lợi ích ở Bắc Cực.
Bên cạnh đó, báo cáo trên cũng đề xuất Mỹ cần phối hợp với các đồng minh và đối tác trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Bắc Kinh bị lên án đã gây bất ổn tại Biển Đông
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Mỹ ngày 30.1 chỉ trích hoạt động của máy bay quân sự Trung Quốc tại Biển Đông hôm 23.1 gây bất ổn và hung hăng, nhưng không gây đe dọa đến lực lượng Mỹ trong khu vực. Hôm 23.1, nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ đi qua eo biển Ba Sĩ để vào Biển Đông. Quân đội Trung Quốc cùng ngày điều 13 máy bay quân sự, trong đó có nhiều chiến đấu cơ, bay qua khu vực phía tây nam Vùng nhận diện phòng không của Đài Loan.
Theo tờ Financial Times, các máy bay Trung Quốc khi đó đã thực hiện cuộc tập trận, sử dụng nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ làm mục tiêu mô phỏng. Trong thông báo hôm qua, INDOPACOM cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Roosevelt đã theo dõi sát sao mọi hoạt động của hải quân và không quân Trung Quốc, nhận thấy không có mối đe dọa nào với tàu chiến, máy bay hay thủy thủ Mỹ.
Vi Trân
|
Pháo đài bay B-52 trở lại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Theo thông cáo của lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương (PACAF) ngày 29.1, 4 máy bay ném bom B-52 của Mỹ trở lại căn cứ ở Guam hôm 28.1, sau 3 năm vắng bóng. “Bốn máy bay ném bom B-52H Stratofortress của không quân Mỹ đã trở lại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày 28.1, để lực lượng máy bay ném bom được triển khai và tiến hành các hoạt động ngoài căn cứ không quân Andersen, đảo Guam”, theo thông cáo.
Thông cáo cho biết thêm các oanh tạc cơ trên sẽ tham gia vào “nhiệm vụ răn đe chiến lược” với các đồng minh và đối tác khác nhau của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Giới chức quân sự Mỹ nhấn mạnh hoạt động trên cho thấy năng lực sẵn sàng tấn công toàn cầu của nước này, cũng như sẵn sàng triển khai lực lượng đến khắp nơi trên thế giới vào mọi lúc. Các chiếc B-52 của Mỹ được triển khai lần gần nhất đến Guam là vào tháng 12.2018.
Huỳnh Thiềm
|
Bình luận (0)