Tổng thống Joe Biden hôm qua 26.3 có cuộc họp báo chính thức đầu tiên tại Nhà Trắng từ khi nhậm chức. Trong đó, chính sách của Mỹ đối với sự cạnh tranh từ Trung Quốc là chủ đề được nhà lãnh đạo đặc biệt lưu ý.
Bảo vệ vị thế
Trong cuộc họp báo, Tổng thống Biden dự báo cuộc cạnh tranh giữa hai nước sẽ diễn ra khốc liệt nhưng Mỹ sẽ bắt Trung Quốc phải tuân thủ quy tắc quốc tế, cạnh tranh một cách công bằng. Ông mô tả cuộc cạnh tranh này là “trận đấu về lợi ích của nền dân chủ trong thế kỷ 21 so với nền chuyên chế” và nhấn mạnh Mỹ phải chứng minh sự hiệu quả của nền dân chủ.
Cảnh báo Triều TiênPhát biểu tại cuộc họp báo hôm qua, Tổng thống Biden cảnh báo CHDCND Triều Tiên vi phạm Nghị quyết của LHQ khi phóng 2 tên lửa vào sáng 25.3, theo Reuters. “Chúng tôi đang tham vấn với các đồng minh và đối tác của mình và sẽ ứng phó nếu họ chọn cách làm leo thang căng thẳng. Chúng tôi sẽ đáp trả tương xứng”, ông Biden nhấn mạnh.
Mặt khác, chủ nhân Nhà Trắng cho hay ông cũng chuẩn bị một số bước đi mang tính ngoại giao, nhưng với điều kiện những bước đi này phải dẫn tới kết quả cuối cùng là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, Hãng thông tấn KCNA cùng ngày đưa tin Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên (WPK) Ri Pyong-chol đã chỉ đạo đợt phóng thử “2 tên lửa dẫn đường chiến thuật mới” vào ngày 25.3. Hai tên lửa này bắn trúng mục tiêu đã định cách xa 600 km ở bờ biển phía đông Triều Tiên.
Tên lửa mới được phát triển từ công nghệ sẵn có với những cải tiến để có thể mang đầu đạn nặng tới 2,5 tấn.
Văn Khoa
|
Để gia tăng năng lực cạnh tranh với Trung Quốc, chủ nhân Nhà Trắng cho hay Mỹ sẽ phát triển nền kinh tế trong nước, đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghệ mới và tiếp tục đấu tranh vì nhân quyền. Theo Tổng thống Biden, Mỹ sẽ mất dần vị thế trên toàn cầu nếu như không đứng lên vì những giá trị nhân quyền.
Trong cuộc họp báo, Tổng thống Biden tái khẳng định sẽ củng cố mối quan hệ với các đồng minh, không phải nhằm chống lại Trung Quốc mà là bắt Trung Quốc tuân thủ những quy tắc quốc tế, từ vấn đề Biển Đông, Đài Loan cho đến những vấn đề khác.
Xây dựng liên minh
Chính quyền Tổng thống Biden đang tìm cách kết nối với các đồng minh và đối tác như EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo AFP.
Ngay sau cuộc họp báo hôm qua, Tổng thống Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các lãnh đạo EU lần đầu tiên từ năm 2009 nhằm nhấn mạnh thông điệp về việc tái xây dựng mối quan hệ với châu Âu sau quãng thời gian bất hòa dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Trong cuộc họp, Tổng thống Biden cho rằng lợi ích của Mỹ là một cộng đồng EU mạnh mẽ, đồng thời bày tỏ hy vọng hợp tác về các vấn đề quan tâm chung, trong đó có chính sách đối ngoại với Trung Quốc.
Trước đó, Mỹ cùng EU và các đồng minh khác là Anh và Canada đã phối hợp ban hành loạt cấm vận đối với các cá nhân và tổ chức tại Trung Quốc tại Trung Quốc vì cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương. Trả lời phỏng vấn CNN, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải bác bỏ các cáo buộc nói trên.
Đáp trả cáo buộc của Tổng thống Biden, ông Thôi tuyên bố Trung Quốc rất ủng hộ cạnh tranh công bằng nhưng yêu cầu Mỹ trước hết nên sửa chữa những sai lầm trong quá khứ, gồm việc phân biệt đối xử với công ty Trung Quốc, bắt giữ lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc vô cớ, áp dụng chính sách chủ nghĩa dân tộc chống lại các quy tắc quốc tế.
Ông Thôi nhấn mạnh Trung Quốc không muốn cạnh tranh hay thay thế bất kỳ nước nào mà chỉ có mục tiêu là xây dựng cuộc sống tốt hơn cho người dân. Vị đại sứ nhấn mạnh việc chia rẽ thế giới sẽ không giúp ích gì cho cuộc chiến chống Covid-19, biến đổi khí hậu hay đói nghèo.
“Chúng tôi không cho rằng hành động chia rẽ thế giới thành hai phe khác biệt hoặc xây dựng khối quân sự đối đầu nhau là giải pháp”, ông Thôi nói. Mặt khác, ông cho rằng cuộc đối thoại giữa quan chức hai nước tại Alaska gần đây là đúng thời điểm và giúp ích cho hai phía hiểu hơn về nhau.
Bình luận (0)