Mỹ và Trung Quốc cần 'sửa chữa' mối quan hệ công nghệ

11/09/2021 10:50 GMT+7

Chủ tịch Microsoft Brad Smith trong một buổi họp trực tuyến hôm 9.9 nói rằng, Washington và Bắc Kinh phải cố gắng cải thiện mối quan hệ, đồng thời giải quyết vấn đề xung quanh việc trao đổi công nghệ .

Theo Nikkei, ông Brad Smith đã mô tả mối quan hệ Mỹ - Trung hiện tại là “mối quan hệ công nghệ song phương quan trọng và phức tạp nhất thế giới”. Đề cập đến tranh chấp công nghệ giữa hai quốc gia, người đứng đầu Microsoft hy vọng sẽ thấy hai nước thực hiện các bước mới để thiết lập mối quan hệ rõ ràng về quản trị công nghệ.
Mỹ và Trung Quốc đã bị lôi kéo vào một cuộc chiến thương mại, với tranh chấp về vai trò của Huawei Technology ở Mỹ và tuyên bố của chính quyền Washington về việc Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại. Trong phiên họp trực tuyến, ông Smith nhấn mạnh cả hai nước cần một mối quan hệ công nghệ mang lại “sự rõ ràng và ổn định hơn”. Được biết, ông Smith đã tổ chức cuộc họp với Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Xiao Yaqing hồi tuần trước và cũng sẽ vận động cho bước tiến hòa giải ở Mỹ trong tuần này.
Một trong những điểm quan trọng nhất là hai chính phủ cần làm rõ cách thức mỗi nước sẽ quản lý xuất khẩu và nhập khẩu công nghệ. “Đối với bất kỳ công ty công nghệ nào, cho dù là Microsoft hay một công ty ở Trung Quốc, hoặc từ bất kỳ quốc gia nào khác muốn kinh doanh theo cách có ảnh hưởng đến mối quan hệ này, tôi nghĩ rằng nhu cầu về tính cụ thể là điều nên có ngay bây giờ”.
Trung Quốc chỉ chiếm dưới 2% hoạt động kinh doanh toàn cầu của Microsoft và tỷ lệ đó đã giảm trong vài năm qua. Dù vậy, vẫn có rất nhiều vai trò quan trọng mà “chúng tôi có thể và nên kinh doanh ở Trung Quốc”, cụ thể là mảng kinh doanh Windows và dịch vụ điện toán đám mây Azure.
Theo ông Smith, hai bên cũng nên giải quyết vấn đề về sức mạnh mà các công ty công nghệ đang sở hữu dựa trên lượng dữ liệu, thị phần khổng lồ mà họ đã tích lũy và khai thác. “Bất cứ khi nào bạn có một lực lượng bao phủ khắp mọi nơi và có tác động lớn đến mức có thể trở nên mạnh hơn chính phủ hoặc một quốc gia, theo như đánh giá chủ quan của một số người, thì bạn sẽ không tránh khỏi việc các chính phủ sẽ tìm cách khẳng định lại chủ quyền của họ”.
Trên thực tế, chương trình nghị sự về công nghệ ở nhiều nơi là tương tự, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Mỹ cũng có quy định không khác gì Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. “Đây sẽ là một thập niên mang lại quy định cho công nghệ”, ông Smith nói.
Microsoft từng đấu tranh gay gắt với chính phủ Mỹ trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, về việc sử dụng sự thống trị của hệ điều hành Windows để thúc đẩy phần mềm trình duyệt đi kèm. Hiện tại, các nhà quản lý trên thế giới đã chuyển sự chú ý chủ yếu sang xem xét hành vi của Big Tech, bao gồm Google, Amazon, Apple và Facebook.
Ông Smith tuyên bố Microsoft đã học hỏi từ kinh nghiệm trong quá khứ để “chú ý đến lời nói, lắng nghe mối quan tâm và giải quyết các vấn đề trong tâm trí của mọi người”. Trong những năm gần đây, công ty đã chuyển hoạt động kinh doanh cốt lõi sang các dịch vụ điện toán dựa trên đám mây. Nền tảng Azure đang phát triển nhanh chóng nắm giữ thị phần đứng thứ hai toàn cầu sau AWS của Amazon.
Trong cuộc họp, ông Smith đã chỉ trích Google vì tự cho mình vai trò “người gác cổng cuối cùng” với tuyên bố “bạn không thể tải ứng dụng lên điện thoại mà không thông qua cửa hàng ứng dụng”. Khi được hỏi liệu có lo ngại các cơ quan quản lý có thể bắt đầu đào sâu vào thị trường đám mây hay không, ông Smith trả lời: “Không chỉ có sự cạnh tranh gay gắt giữa ba công ty lớn Microsoft, Amazon và Google, cũng như những công ty khác, mà đó là thị trường bạn sẽ không bao giờ thấy cùng một người gác cổng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.