Mỹ xem Việt Nam là đối tác an ninh quan trọng

22/01/2018 08:24 GMT+7

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink nhấn mạnh Việt Nam là một trong những đối tác an ninh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực và thế giới.

Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho Thanh Niên nhân chuyến thăm TP.HCM, Đại sứ Kritenbrink chia sẻ cơ hội và thách thức trong quan hệ hợp tác song phương Mỹ - Việt Nam.
Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ đối tác Mỹ - Việt Nam hiện nay?
Tôi rất vinh dự trở thành Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ không chỉ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mà còn cả trên thế giới. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Mỹ luôn giữ vững cam kết hỗ trợ cho sự phát triển của một Việt Nam độc lập, thịnh vượng, đóng góp vào nền an ninh quốc tế, đảm bảo công bằng thương mại, tôn trọng nhân quyền và thượng tôn pháp luật. Đây là mối quan hệ đối tác chúng tôi mong muốn và đang xây dựng với Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam trở thành đối tác an ninh quan trọng của chúng tôi. Chúng ta cùng nhau chia sẻ nhiều lợi ích trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thịnh vượng và hòa bình. Chính vì thế, Mỹ và Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực bao gồm duy trì tự do hàng hải và hàng không, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp trên biển trong khu vực. Chúng ta đang hợp tác để đối phó mối đe dọa từ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa từ CHDCND Triều Tiên.
Xin ông cho biết về tầm quan trọng và công tác chuẩn bị cho chuyến thăm đầu tiên của tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam sắp tới?
Một tàu sân bay Mỹ đến thăm Việt Nam thể hiện sức mạnh của mối quan hệ đối tác an ninh, tình bằng hữu hai nước. Tôi nghĩ rằng người dân Việt Nam sẽ rất ấn tượng trước hàng ngàn thủy thủ Mỹ từ tàu sân bay và tất cả những điều tuyệt vời mà họ và hải quân Mỹ có thể đóng góp cho mối quan hệ đối tác. Công tác chuẩn bị cho chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam trong năm 2018 đang diễn ra rất suôn sẻ và tốt đẹp.
Mỹ giữ vững cam kết đối với Biển Đông
Một số chuyên gia đánh giá rằng chính phủ Mỹ tập trung quá nhiều vào tình hình bán đảo Triều Tiên hơn là Biển Đông? Ông có nhận định gì về đánh giá này?
Đánh giá này không chính xác. Tôi nghĩ rằng khi chúng ta nhìn vào chuyến thăm Việt Nam rất thành công của Tổng thống Trump, bài phát biểu của ông về chiến lược khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương và Chiến lược An ninh quốc gia thì rõ ràng rằng Mỹ giữ vững cam kết đối với khu vực này. Tổng thống Donald Trump cũng đã nhấn mạnh rằng Mỹ giữ vững cam kết đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua tất cả các biện pháp ngoại giao và pháp lý. Chính vì thế, chúng tôi tiếp tục tăng cường mối quan hệ đối tác, hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực hàng hải.
Ngoài ra, chúng tôi cũng thiết lập mối quan hệ đối tác vững chắc với ASEAN và những quốc gia khác để xúc tiến ngoại giao hướng đến giải quyết vấn đề tranh chấp một cách hòa bình. Sự hiện diện của hải quân Mỹ với những cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực khẳng định cam kết của chúng tôi và sự thật là tất cả quốc gia có quyền tự do đi lại, hoạt động trên biển trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Ông có thể đánh giá cơ hội và thách thức trong hợp tác kinh tế, thương mại Mỹ - Việt Nam trong tương lai? Hai nước có thể áp dụng những biện pháp nào nhằm giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại mà Tổng thống Trump từng đề cập trong chuyến thăm Việt Nam?
Hợp tác kinh tế và thương mại Mỹ - Việt Nam tiếp tục được mở rộng. Trong năm 2017, Việt Nam là thị trường phát triển nhanh nhất cho xuất khẩu của Mỹ và kim ngạch thương mại hai nước đạt 52 tỉ USD. Tôi đã trao đổi với khoảng 100 doanh nghiệp Mỹ hàng đầu thế giới có đầu tư vào Việt Nam, thảo luận nhiều biện pháp hướng đến tương lai chia sẻ thịnh vượng. Khi đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi muốn đảm bảo nguyên tắc chia sẻ thịnh vượng. Chúng tôi nhận thấy nhiều cơ hội hợp tác kinh tế với Việt Nam, vốn có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nhanh cùng nguồn nhân lực trẻ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn còn quan ngại về thâm hụt thương mại xuất phát từ nhiều nguyên nhân bao gồm những rào cản tiếp cận thị trường và thiếu sự minh bạch. Chẳng hạn, nhiều sản phẩm nông nghiệp Mỹ không thể vào thị trường Việt Nam vì những rào cản phi thuế quan; Nghị định 116 (Nghị định 116/2017/NĐ-CP) mới quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô ảnh hưởng đến nhà sản xuất xe hơi Mỹ; ngoài ra còn có nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực dịch vụ thanh toán trực tuyến, như Công ty VISA và Mastercard. Chúng tôi biết rằng phía Việt Nam cũng có mối quan ngại riêng. Chính vì thế, chúng ta cần hợp tác giải quyết vấn đề tồn đọng dẫn đến thâm hụt thương mại.
Xin ông cho biết những ưu tiên trong chính sách của chính phủ Tổng thống Trump nhằm tăng cường hợp tác giáo dục với Việt Nam?
Tăng cường ngoại giao nhân dân và mở rộng hợp tác giáo dục là những điểm đầy hứa hẹn trong mối quan hệ đối tác hai nước. Một trong những lý do tôi đến thăm TP.HCM là tham dự hội thảo “Quan hệ Việt Nam - Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump” do Đại học Fulbright Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) phối hợp tổ chức. Đại học Fulbright Việt Nam thể hiện tinh thần hợp tác giữa hai nước nhằm vào đầu tư cho giới trẻ. Không chỉ Đại học Fulbright Việt Nam, tôi chứng kiến nhiều trường của Mỹ như Đại học bang Arizona tăng cường hợp tác với Việt Nam trong nghiên cứu, trao đổi giảng viên và sinh viên. Hiện có trên 35.000 du học sinh Việt Nam tại Mỹ, họ sẽ trở thành những nhân tố quan trọng giúp đẩy mạnh mối quan hệ hai nước trong tương lai.
Xin ông cho biết những trọng tâm trong nhiệm kỳ công tác của ông tại Việt Nam?
Tôi từng có 5 chuyến thăm Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên với vai trò Đại sứ Mỹ. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Việt Nam là người dân thân thiện và hiếu khách. Tôi cũng rất ấn tượng trước tốc độ phát triển của mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Tôi đến Hà Nội vào ngày 4.11.2017 và đến ngày 10.11.2017, Tổng thống Trump có chuyến thăm Việt Nam. Trong cuộc điều trần trước Thượng viện về thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt Nam, tôi đã xác định 5 lĩnh vực ưu tiên trong nhiệm kỳ, bao gồm: an ninh, kinh tế - thương mại, giao lưu nhân dân, thúc đẩy nhân quyền cùng xử lý các vấn đề nhân đạo và di sản chiến tranh. Tôi và gia đình yêu mến đất nước và nhân dân Việt Nam. Chúng tôi lên kế hoạch du lịch khắp Việt Nam để tìm hiểu thêm về văn hóa và ẩm thực.
Mỹ đã gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào năm 2016. Hiện hai bên có tiến hành đàm phán hợp đồng mua bán vũ khí nào hay không?
Nói đến vấn đề gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, tôi nghĩ đến hai khía cạnh quan trọng. Một là động thái này tượng trưng cho tình bằng hữu, mối quan hệ đối tác và bình thường hóa quan hệ toàn diện. Hai là chúng tôi muốn chứng kiến một Việt Nam độc lập và thịnh vượng, bởi vì đất nước các bạn vững mạnh và đảm bảo an ninh sẽ giúp đóng góp cho nền an ninh toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tôi nghĩ chúng ta cần có thời gian để nhận thấy lợi ích toàn diện từ việc gỡ bỏ lệnh cấm vận. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến khích phía Việt Nam tiếp tục làm việc với Mỹ và cân nhắc các thỏa thuận mua vũ khí trong tương lai nhằm giúp đảm bảo an ninh trong nước và khu vực. Tôi rất lạc quan về hợp tác hai nước trong lĩnh vực này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.