Năm 2017 Bộ GD-ĐT vẫn quy định điểm sàn

01/02/2017 07:26 GMT+7

Trong quy chế tuyển sinh Bộ GD-ĐT công bố ngày 31.1, năm 2017 bộ này vẫn quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với các trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển.

Quy chế chính thức đã có một số nội dung được sửa đổi so với các dự thảo đã công bố trong quá trình lấy ý kiến đóng góp của giới chuyên môn và người dân.
Vẫn giữ điểm "sàn”
Theo quy chế, với những trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, Bộ GD-ĐT sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Các trường ĐH đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 bài thi/môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1điểm (theo thang điểm 10) và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định.
Nhưng từ năm 2018 trở đi, khi các trường đã công khai đầy đủ và chuẩn xác các thông tin mà Bộ GD-ĐT đã quy định thì mỗi trường được tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho trường mình.
Bộ GD-ĐT xây dựng cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ thí sinh và các trường trong công tác tuyển sinh, bao gồm các thông tin về: chỉ đạo điều hành công tác tuyển sinh; cơ sở dữ liệu về kết quả kỳ thi THPT quốc gia; đề án tuyển sinh/điều kiện tuyển sinh của các trường; hệ thống nhập dữ liệu thống kê nguyện vọng của thí sinh và các thông tin khác cần thiết cho công tác tuyển sinh.

Không giới hạn nguyện vọng của thí sinh
Số lượng nguyện vọng của thí sinh là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong quá trình hoàn thiện dự thảo. Theo quy chế được ban hành, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký trừ quy định tại điểm c khoản này. Đối với mỗi thí sinh, nếu đăng ký xét tuyển vào nhiều trường/ngành, việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định này còn phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của Bộ liên quan. 
Các trường được xét tuyển bổ sung một hoặc nhiều lần để tuyển đủ chỉ tiêu mà trước đó trường đã tự xác định. Điều kiện xét tuyển bổ sung, điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1. Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể thực hiện đăng ký xét tuyển bổ sung. Cũng như với xét tuyển đợt 1, kết thúc mỗi đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định và căn cứ vào đó trường cập nhật danh sách thí sinh xác nhận nhập học lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.

Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và được làm tròn đến 0,25; cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực (quy định về điểm ưu tiên vẫn giữ như mọi năm). Đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường đã thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn.
Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác trong đợt xét tuyển bổ sung.
Được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi THPT
Để xét tuyển đợt 1, thí sinh nộp phiếu đăng ký xét tuyển cùng với hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia theo quy định của sở GD-ĐT kèm theo lệ phí ĐKXT (với các đợt xét tuyển bổ sung, các em đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí theo quy định của từng trường). Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại nơi đăng ký dự thi. Các em phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin đăng ký xét tuyển và đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin đăng ký xét tuyển và dữ liệu đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.

tin liên quan

Lớp học 'Ước mơ' tại Bình Định của giáo sư người Nhật
Tại Bình Định, có một lớp học đặc biệt được mở và duy trì suốt 4 năm qua khá lặng lẽ. Người ta ít biết đến lớp học ấy, bởi người mở lớp là ông Michio Umegaki (một giáo sư người Nhật) không muốn khoa trương mà chỉ tập trung vào các học sinh đặc biệt của lớp.

Trước khi thí sinh làm thủ tục đăng ký xét tuyển, các trường phải công bố các thông tin cần thiết lên trang thông tin điện tử của trường và nhập đầy đủ các thông tin về tuyển sinh của trường lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trong thời hạn quy định. Riêng điểm nhận đăng ký xét tuyển, trường có thể quy định sau khi có kết quả thi THPT quốc gia và phù hợp với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào mà Bộ GD-ĐT quy định.
Đối với thí sinh đến trường nhập học chậm sau 15 ngày trở lên kể từ ngày nhập học ghi trong giấy triệu tập trúng tuyển (ở tất cả các đợt xét tuyển), nếu thí sinh không có lý do chính đáng thì coi như bỏ học. Nếu đến chậm do ốm đau, tai nạn, có giấy xác nhận của bệnh viện quận, huyện trở lên hoặc do thiên tai có xác nhận của UBND quận, huyện trở lên, các trường xem xét quyết định tiếp nhận vào học hoặc bảo lưu kết quả tuyển sinh để thí sinh vào học năm sau.
Các trường có thể liên kết thành nhóm trường để tổ chức xét tuyển. Sau khi hết thời hạn thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, các trường/nhóm trường khai thác thông tin (của trường/nhóm trường mình và của các trường/nhóm trường khác có liên quan) trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT để dự kiến điểm trúng tuyển, dự kiến danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường/nhóm trường. Các trường/nhóm trường nhập lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến trong thời gian quy định để hệ thống tự động loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh được dự kiến trúng tuyển nhiều nguyện vọng.
Các trường/nhóm trường điều chỉnh điểm trúng tuyển cho phù hợp với chỉ tiêu trong thời hạn quy định; quyết định điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức; công bố kết quả trúng tuyển trên trang thông tin điện tử của trường và trên phương tiện thông tin đại chúng khác. Sau khi tổng hợp kết quả thí sinh xác nhận nhập học, cập nhật lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, các trường sẽ quyết định dừng xét tuyển hay tiếp tục xét tuyển bổ sung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.