Năm 2017 vẫn 'khất' luật Biểu tình

12/07/2016 14:14 GMT+7

Trong dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017 và điều chỉnh chương trình 2016 không có nội dung luật Biểu tình .

Đây là thông tin đáng chú ý tại phiên họp sáng 12.7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017 và điều chỉnh chương trình 2016. 
Trình bày dự thảo tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Lê Minh Thông cho biết, tính đến hết 30.6. 2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhận được đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 gồm 51 dự án luật từ Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Ban chấp hành T.Ư Đoàn, các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ĐBQH.
Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, so với các năm trước thì việc đề nghị, kiến nghị đưa các dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã có những cải tiến và đi vào thực chất hơn. Việc chuẩn bị đề nghị, kiến nghị được làm kỹ và công phu hơn.
“Tuy nhiên, số lượng dự án được đề nghị, kiến nghị đưa vào Chương trình năm 2017 nhiều so với khả năng thực hiện. Do đó, để bảo đảm tính khả thi của Chương trình năm 2017, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét, cân nhắc kỹ các dự án được đề nghị, kiến nghị đưa vào Chương trình”, ông Lê Minh Thông nói.
Theo tờ trình của Uỷ ban Thường vụ dự kiến trình Quốc hội do Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Lê Minh Thông trình tại phiên họp, Chính phủ đề nghị đưa luật Biểu tình vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá 14. Tuy nhiên theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội qua quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án vẫn còn có ý kiến khác nhau; hồ sơ của dự án chưa đầy đủ do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội đưa dự án này vào Chương trình.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị chưa đưa vào chương trình 2017 các dự án luật Dân tộc, luật Dân số, luật Thư viện, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thanh niên do còn có nhiều vấn đề khác nhau cần có thời gian để nghiên cứu làm rõ.
Tương tự, đối với các dự án luật Giáo dục (sửa đổi), luật Tư pháp cho người chưa thành niên, luật Nội địa hóa, luật Công nghiệp quốc phòng - an ninh, luật An ninh quốc gia (sửa đổi), luật Tình trạng khẩn cấp, luật Bảo đảm trật tự an toàn xã hội, luật Tình báo, luật Bộ đội biên phòng, luật Trồng trọt và luật Chăn nuôi, mới chỉ là đề xuất ban đầu, hiện chưa có hồ sơ dự án và thuyết minh cụ thể, nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chưa có cơ sở để trình Quốc hội đưa vào Chương trình.
Về dự án luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Ủy ban quốc phòng và an ninh bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4 để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, khắc phục bất cập của Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước hiện hành và bảo đảm sự đồng bộ với luật Tiếp cận thông tin, luật An toàn thông tin mạng đã được được Quốc hội thông qua.
Trong số các dự án được đưa vào chương trình 2017 còn có dự án luật Hành chính công, dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thể dục, thể thao. . .
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.