Sở Y tế TP.HCM vừa thực hiện bình chọn 10 hoạt động nổi bật trong năm 2018. Đó là những hoạt động giảm tải bệnh viện và cải cách thủ tục hành chính, tăng cường nguồn nhân lực cho tuyến dưới, phát triển kỹ thuật cao cho tuyến dưới, đưa dịch vụ y tế đến gần dân...
tin liên quan
Xe cấp cứu 2 bánh có khả thi?1. Hoạt động nổi bật nhất là bác sĩ chuyên khoa đầu ngành của các bệnh viện (BV) tuyến cuối của thành phố kết nối và hỗ trợ chuyên môn cho bác sĩ đang công tác tại trạm y tế qua “apps hội chẩn".
Hoạt động này đã góp phần tạo niềm tin cho người dân khi đến khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế. Trong vòng 20 ngày thực hiện đổi mới hoạt động trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, đã có 691 lượt người dân đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế P.13, Q.Bình Thạnh, điều mà trước đó gần như không có.
2. Mô hình “chuỗi phòng khám đa khoa” của các BV công lập trên địa bàn thành phố mang BV đến gần dân và góp phần giảm tải BV.
Mô hình “mang BV đến gần dân”, cung ứng đầy đủ các loại hình dịch vụ khám, chữa bệnh ngoại trú cho người dân ở các khu vực dân cư ở xa BV. Tại H.Củ Chi, phòng khám đa khoa Tân Quy (thuộc BV H.Củ Chi) đã đi vào hoạt động nhằm phục vụ cho người dân của 6 xã Tân Thạnh Tây, Tân Thạnh Đông, Trung An, Hòa Phú, Bình Mỹ, Phú Hòa Đông. Đây là là địa bàn tập trung đông dân cư với cụm công nghiệp Tân Quy, khu công nghiệp Trung An, khu công nghiệp Đông Nam.
Phòng khám có đầy đủ các chuyên khoa do 16 bác sĩ của BV huyện Củ Chi đảm trách, hoạt động 24/7 đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân. Chỉ trong vòng 1 tháng sau khi đi vào hoạt động, số lượt khám tăng dần, hiện nay đã lên đến 180 bệnh nhân/ngày.
Tại Q.Thủ Đức, phòng khám đa khoa Linh Xuân trực (thuộc BV Q.Thủ Đức), cách BV quận khoảng 10 km do 18 bác sĩ của bệnh viện quận đảm trách với số lượt khám đã lên đến 750 lượt/ngày.
Theo kế hoạch trong năm 2019, BV Q.Thủ Đức sẽ có chuỗi 4 phòng khám đa khoa tại các khu dân cư và khu công nghiệp, khu chế xuất, phấn đấu kéo giảm số lượt khám tại bệnh viện từ trên 6.000 lượt/ngày xuống còn trên 3.000 lượt/ngày.
3. Thử nghiệm thêm loại hình xe cấp cứu 2 bánh tại trạm Cấp cứu vệ tinh 115 của BV đa khoa Sài Gòn để bác sĩ tiếp cận người bệnh nhanh nhất.
Năm 2018, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai thí điểm loại hình xe cấp cứu 2 bánh với mong muốn rút ngắn hơn nữa thời gian tiếp cận người dân khi có nhu cầu cần được cấp cứu.
Trong 2 tuần triển khai thí điểm, trong tổng số 67 cuộc gọi cấp cứu 115 của người dân trên địa bàn quận 1 được tổng đài chuyển đến trạm cấp cứu vệ tinh tại BV đa khoa Sài Gòn.
4. Triển khai thành công phẫu thuật tim hở tại BV tuyến huyện
Sau hơn 3 năm chuẩn bị, trong năm 2018, với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ Viện Tim TP.HCM, BV Q.Thủ Đức đã chính thức triển khai phẫu thuật tim hở. Cho đến nay, đã có 54 bệnh nhân với nhiều loại bệnh lý tim bẩm sinh và mắc phải đã được phẫu thuật thành công tại BV này.
5. Phân công 327 bác sĩ mới tốt nghiệp của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đến nhận công tác tại 23 BV quận, huyện và 3 BV đa khoa khu vực
Trong đó, 3 BV có số lượng bác sĩ đăng ký đến công tác cao nhất lần lượt là BV H.Bình Chánh (31 bác sĩ), BV Q.11 (29 bác sĩ), BV đa khoa khu vực Hóc Môn (23 bác sĩ).
Riêng BV H.Cần Giờ vẫn còn gặp khó khăn về nguồn nhân lực vì không có bác sĩ nào đăng ký về BV công tác.
6. 16 BV và 10 trung tâm y tế quận, huyện mới được xây dựng và cải tạo nâng cấp đi vào hoạt động
Giai đoạn 2017 - 2018, lần đầu tiên trong vòng 2 năm, ngành y tế thành phố đã được đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp và đưa vào sử dụng 16 bệnh viện và 10 trung tâm y tế quận, huyện.
7. Xây dựng “Cổng dịch vụ công trực tuyến của ngành y tế thành phố”
Người dân có thể ngồi tại nhà truy cập vào địa chỉ https://dichvucong.medinet.org.vn/ để được hướng dẫn từng bước làm hồ sơ, đăng ký nộp hồ sơ, thanh toán qua mạng và nhận trả kết quả qua bưu điện.
Ngoài ra, Sở Y tế còn xây dựng “apps dịch vụ công trực tuyến” có thể cài đặt trên điện thoại thông minh giúp người dân dễ dàng theo dõi quá trình và tiến độ xử lý hồ sơ. Trong năm 2018, Sở Y tế đã tiếp nhận và xử lý 9.442 hồ sơ dịch công trực tuyến cấp độ 3 và 4 trong tổng số 16.650 hồ sơ, chiếm 56,7%
8. Triển khai ứng dụng (apps) “Cổng thông tin điện tử của ngành y tế thành phố” trên điện thoại thông minh.
Mọi tin mới, thông báo, thư mời và văn bản chỉ đạo của Sở Y tế đều được thông báo trên cổng thông tin điện tử. Theo kế hoạch, trong năm 2019, Sở Y tế sẽ chính thức sử dụng thông báo, thư mời bằng tin nhắn qua apps cổng thông tin điện tử thay cho giấy mời, thông báo.
9. Xây dựng tiêu chí, tổ chức đánh giá chất lượng tất cả phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn thành phố với 16 chuẩn thiết yếu dành cho phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ dựa trên các quy định pháp luật hiện hành.
10. Thúc đẩy hoạt động dược lâm sàng và phòng chống kháng thuốc tại tất cả BV trên địa bàn thành phố
Lần đầu tiên, dữ liệu về độ nhạy kháng sinh của các vi khuẩn phân lập được từ các BV tuyến cuối trên địa bàn thành phố được tổng hợp trở thành căn cứ khoa học và thực tiễn gợi ý chọn lựa loại kháng sinh ban đầu thích hợp trong điều trị các bệnh nhiễm trùng thuộc các nhóm nguy cơ khác nhau của nhiều chuyên khoa khác nhau.
Bình luận (0)