Năm 2022 Việt Nam sẽ thương mại hoá 5G

Mai Hà
Mai Hà
22/12/2021 19:24 GMT+7

Bộ TT-TT xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là thương mại 5G với các thiết bị Make in Vietnam.

Thông tin trên được chia sẻ tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021, định hướng năm 2022 của Bộ TT-TT diễn ra chiều nay 22.12.

Theo báo cáo của Bộ TT-TT, thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất đã đầy đủ ở các phân lớp hệ thống mạng 5G gồm mạng lõi, mạng truyền dẫn, mạng truy cập và đã được triển khai cung cấp thử nghiệm dịch vụ.

Năm 2021, các nhà mạng của Việt Nam đã thử nghiệm thương mại thành công 5G tại nhiều tỉnh, thành

MoBIFONE

Dù vậy, để triển khai mạng 5G bằng thiết bị hoàn toàn của Việt Nam ở diện rộng trong năm 2022 là chưa đáp ứng được. Việt Nam đặt mục tiêu phủ sóng 5G đến 25% dân số vào năm 2025. Đặc biệt, trong tháng 9, Việt Nam đã hoàn thành bước nghiên cứu và triển khai lắp đặt thử nghiệm trạm 5G theo công nghệ ORAN (với tốc độ download 900 Mbps và upload 60 Mbps). Đây là bước tiến quan trọng để thúc đẩy quá trình nghiên cứu, sản xuất thiết bị 5G của Việt Nam cũng như thương mại hoá 5G vào năm 2022.

Hiện, các nhà mạng của Việt Nam như VNPT-VinaPhone, Viettel, MobiFone đều đã triển khai thử nghiệm thương mại 5G tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

100% người dân sẽ chuyển sang dùng smartphone

Cũng theo báo cáo của Bộ TT-TT, từ năm 2018 đến nay, tỷ lệ thuê bao sử dụng smartphone trên tổng thuê bao điện thoại di động đã liên tục tăng, từ 59,2% năm 2018 tăng lên 65,09% năm 2019, đạt 69,55% vào năm 2020 và đến năm 2021 là 75%. Tỷ lệ phủ cáp quang đến hộ gia đình năm 2021 đã đạt 65%, tăng 10% so với năm 2020.

Mục tiêu đặt ra trong năm 2022 là thúc đẩy chuyển đổi sử dụng smartphone và dừng công nghệ di động cũ (đến tháng 12.2022 chỉ còn 5% dùng điện thoại 2G). Ngoài ra, từ đầu năm 2023, 100% người dân sẽ chuyển sang dùng smartphone và trước năm 2025 cơ bản mỗi hộ có một đường internet cáp quang siêu băng rộng.

Theo kế hoạch, năm 2022, Bộ TT-TT cũng sẽ tham mưu xây dựng luật Công nghiệp công nghệ số nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số.

Định hướng đến năm 2025, ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông với tầm nhìn và sứ mệnh mới là dịch chuyển từ gia công, lắp ráp sang Make in Viet Nam, làm sản phẩm tại Việt Nam, làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, trong đó tỷ trọng Make in Vietnam vào năm 2025 đạt trên 45%.

Bộ TT-TT cũng đặt mục tiêu phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt 100.000 doanh nghiệp vào năm 2025. Hình thành ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỉ USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.