Năm 2024, xu hướng dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam có gì nổi bật?

Trần Thanh Vũ
Nghiên cứu sinh tiến sĩ, chuyên ngành giáo dục ngôn ngữ, Khoa Sư phạm, ĐH Durham (Vương quốc Anh)
31/12/2024 09:14 GMT+7

Hàng loạt thay đổi quan trọng trong dạy và học tiếng Anh không chỉ phản ánh sự chuyển mình của hệ thống giáo dục mà còn mở ra nhiều cơ hội, thách thức với cả người dạy lẫn người học.

Năm 2024, xu hướng dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam có gì nổi bật?- Ảnh 1.

Học sinh tiểu học tại TP.HCM trong một giờ học tiếng Anh

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc

Từ cuối năm 2023, Bộ GD-ĐT đã quyết định rằng môn ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh, sẽ không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025. Quyết định này tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều, khi không ít người lo ngại việc bỏ tính bắt buộc có thể suy giảm vị thế của tiếng Anh trong môi trường học đường, dẫn đến thái độ học tiếng Anh cầm chừng và đối phó ở một bộ phận học sinh.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại nhận định quyết định này sẽ "trả tiếng Anh về đúng vị trí của nó", là một môn học tập trung vào rèn luyện kỹ năng giao tiếp ngôn ngữ, thay vì chỉ dạy ngữ pháp để phục vụ các kỳ thi.

Dù vậy, thách thức lớn nhất vẫn nằm ở việc thay đổi tư duy giảng dạy và cách kiểm tra đánh giá trong nhà trường. Nếu các phương pháp dạy học không được cải tiến, việc học tiếng Anh có nguy cơ trở thành hình thức đối phó, thiếu thực chất.

Dần thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường

Một trong những thay đổi mang tính chiến lược là Bộ Chính trị đã quyết từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông. Cuối năm 2024, Phó thủ tướng Lê Thành Long cũng ký Quyết định số 1600 phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh vai trò then chốt của việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên.

Năm 2024, xu hướng dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam có gì nổi bật?- Ảnh 2.

Thí sinh TP.HCM trao đổi sau buổi thi tiếng Anh ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

ẢNH: NHẬT THỊNH

Việc hiện thực hóa mong muốn nêu trên đặt ra nhiều thách thức, về lý luận lẫn thực tiễn, cho hệ thống giáo dục nước ta. Để tránh vấp phải những hạn chế từng được nhiều chuyên gia chỉ ra trong Đề án Ngoại ngữ 2020, các chính sách cần được thực hiện một cách bài bản, từ nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, xây dựng chương trình học thực tiễn, đến đổi mới cách kiểm tra đánh giá phù hợp.

Ứng dụng công nghệ và huy động sự vào cuộc của toàn xã hội cũng là các yếu tố quan trọng giúp đề án này đạt được thành công.

Cơn sốt IELTS vẫn tiếp tục

Những năm gần đây, IELTS đã trở thành "tiêu chuẩn vàng" cho việc đánh giá năng lực tiếng Anh và xu hướng này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong năm 2024. Thị trường luyện thi IELTS ngày càng mở rộng, thậm chí lan sang bậc giáo dục phổ thông khi nhiều trung tâm ngoại ngữ hợp tác với các sở giáo dục để tập huấn giáo viên dạy IELTS.

Sự xâm nhập của IELTS vào chương trình phổ thông cần được quản lý chặt chẽ cả về cách tổ chức và chuyên môn để tránh gây áp lực không cần thiết cho học sinh, song vẫn đạt được hiệu quả mong muốn. IELTS được dự đoán vẫn sẽ là chứng chỉ được ưa chuộng trong những năm tới, thế nên các trung tâm, giáo viên phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học.

Năm 2024, xu hướng dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam có gì nổi bật?- Ảnh 3.

Hàng trăm người tham dự ngày hội IELTS tại TP.HCM được tổ chức hồi tháng 3

ẢNH: NGỌC LONG

Nguồn lực mới từ giáo viên "chuyển ngành"

Một xu hướng đáng chú ý khác trong năm 2024 là sự gia tăng mạnh mẽ số lượng giáo viên tiếng Anh "chuyển ngành". Đây là những người từ các lĩnh vực khác chuyển sang giảng dạy tiếng Anh, chủ yếu để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường luyện thi, đặc biệt là IELTS.

Nhiều giáo viên chuyển ngành đã chọn đầu tư học văn bằng hai ngôn ngữ Anh hay thạc sĩ giảng dạy tiếng Anh (TESOL). Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp chỉ tham gia các khóa đào tạo TESOL ngắn hạn. Điều này đặt ra câu hỏi về chất lượng giảng dạy, nhất là khi nhiều trung tâm vẫn sẵn sàng chấp nhận giáo viên không có bằng cấp chính quy.

Sự phát triển của giáo viên "chuyển ngành", dù mang lại nguồn nhân lực dồi dào, cũng đòi hỏi các cơ quan quản lý phải xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng chặt chẽ hơn.

Tương lai của dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục trên toàn cầu, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Các ứng dụng học ngoại ngữ thông minh như Duolingo, ChatGPT, hay các nền tảng luyện thi sử dụng AI đang ngày càng phổ biến, giúp người học có thể tự học hiệu quả hơn.

Một số trung tâm ngoại ngữ đã bắt đầu tích hợp AI vào quá trình giảng dạy, từ cá nhân hóa nội dung bài học đến xây dựng các bài kiểm tra tự động. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng của AI, giáo viên cần được đào tạo để sử dụng công nghệ này như một công cụ hỗ trợ thay vì hoàn toàn phụ thuộc. AI được dự đoán sẽ trở thành nhân tố quyết định trong việc định hình tương lai của dạy học ngoại ngữ tại Việt Nam.

Nhìn chung, 2024 là một năm đầy sôi động của lĩnh vực dạy học tiếng Anh ở Việt Nam. Sự thay đổi trong chính sách, sự phát triển của công nghệ và thị trường luyện thi mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Để tiếng Anh trở thành công cụ hội nhập quốc tế, cần có sự cân bằng giữa nhiều yếu tố, gồm: chất lượng giáo viên, chương trình học, phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ.

Trong những năm tiếp theo, công nghệ, mà cụ thể là AI, sẽ là yếu tố then chốt chi phối việc dạy học tiếng Anh ở Việt Nam. Bên cạnh đó, sự tự do trong thị trường này cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nhiều đối tượng, dù chính thống hay tự phát, tham gia vào dạy, học, đào tạo giáo viên tiếng Anh.

Năm 2024, xu hướng dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam có gì nổi bật?- Ảnh 4.

Học sinh dùng ChatGPT, một công cụ AI, để hỗ trợ việc học tiếng Anh

ẢNH: NHƯ AN

Bối cảnh giảng dạy tiếng Anh ở nước ta khá phức tạp và bị chi phối không chỉ bởi những thay đổi trong nước mà còn bởi cả các biến động trên thế giới kèm theo không ít yếu tố lâu đời về văn hóa. Do đó, có thể sẽ có nhiều biến đổi không lường trước được về sự ưu tiên, phương pháp tiếp cận và cả thái độ của các bên liên quan.

Dạy học tiếng Anh không chỉ là câu chuyện của nhà trường mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ từ các cấp quản lý, giáo viên cùng phụ huynh đến học sinh, Việt Nam mới có thể nâng cao năng lực ngoại ngữ của thế hệ trẻ, đáp ứng yêu cầu hội nhập toàn cầu trong tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.