Mỹ áp đảo về số trường
QS tại Anh hôm 26.9 công bố bảng xếp hạng các trường ĐH tốt nhất thế giới trong việc đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) và các lĩnh vực kinh doanh khác (gồm ngành quản trị, tài chính, phân tích kinh doanh, marketing, quản lý chuỗi cung ứng). Đây cũng là các ngành thu hút du học sinh Việt những năm qua khi chọn điểm đến là các quốc gia du học truyền thống như Mỹ, Canada, Úc và Anh.
Riêng ở bảng xếp hạng năm học 2024 - 2025, QS cho biết đã đánh giá 340 chương trình MBA trên toàn cầu cùng nhiều chương trình thạc sĩ kinh doanh trên 58 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kết quả cho thấy, Mỹ tiếp tục thống trị bảng xếp hạng MBA với 11 trường lọt vào top 20, trong đó Trường Kinh doanh sau ĐH Stanford (ĐH Stanford, Mỹ) tiếp tục đứng số 1 lần thứ năm liên tiếp.
Trường Kinh doanh Wharton (ĐH Pennsylvania, Mỹ) và Trường Kinh doanh Harvard (ĐH Harvard, Mỹ) cũng duy trì vị trí thứ 2 và thứ 3. Còn Trường Quản trị Sloan (Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ) tăng 2 bậc để lên hạng 4, thay thế vị trí của Trường Kinh doanh London (Anh) nay đã rơi xuống hạng 5. Thứ hạng 10 đơn vị đào tạo MBA tốt nhất thế giới như sau:
Tên | Thứ hạng 2025 | Thứ hạng 2024 |
---|---|---|
Stanford GSB, Mỹ | 1 | 1 |
Penn (Wharton), Mỹ | 2 | 2 |
Harvard Business School, Mỹ | 3 | 3 |
MIT (Sloan) | 4 | 6 |
London Business School, Anh | 5 | 4 |
HEC Paris, Pháp | 6 | 5 |
Cambridge (Judge), Anh | 7 | 9 |
Columbia Business School, Mỹ | 8 | 7 |
IE Business School, Tây Ban Nha | 9 | 8 |
IESE Business School, Tây Ban Nha | 10 | 9 |
Đáng chú ý, không đại diện nào từ châu Á vào top 20 trường dạy MBA tốt nhất thế giới. Thứ hạng cao nhất của một trường châu Á thuộc về Trường Kinh doanh NUS (ĐH Quốc gia Singapore) ở vị trí 25, theo sau là Trường Kinh tế và quản trị (ĐH Thanh Hoa, Trung Quốc) ở hạng 29. Đứng đầu Canada là Trường Quản trị Rotman (ĐH Toronto), xếp hạng 39. Trường Kinh doanh Melbourne (ĐH Melbourne) thì giữ vị trí 32, cao nhất tại Úc.
Về bảng xếp hạng chuyên biệt, dẫn đầu ngành phân tích kinh doanh (BA) là các trường: Quản trị Sloan, Quản trị Anderson, Kinh doanh ESSEC. Ở lĩnh vực quản trị, ba thứ hạng đầu thuộc về các trường: HEC Paris, Kinh doanh sau ĐH Stanford, Kinh doanh ESSEC. Với ngành tài chính, các trường: Kinh doanh Saïd, HEC Paris, Quản trị Sloan thống trị. Ở marketing, vị trí đầu là các trường: HEC Paris, Kinh doanh ESSEC, Kinh doanh IE. Kinh doanh Ross, ĐH Kinh tế và kinh doanh Vienna, Quản trị Rotterdam dẫn đầu ngành quản lý chuỗi cung ứng.
Phương pháp xếp hạng thế nào?
Theo QS, để được xếp hạng, các chương trình MBA phải được đào tạo trực tiếp ở khuôn viên trường, dạy toàn thời gian và có quy mô lớp học ít nhất 15 học viên. Các trường sẽ được đánh giá dựa trên 13 tiêu chí, chia thành năm chỉ số chính là khả năng có việc làm (chiếm 40% trọng số), tinh thần kinh doanh và kết quả cựu sinh viên (15%), lợi tức đầu tư (20%), tư duy lãnh đạo (15%), sự đa dạng quốc tịch, giới tính... của học viên và giảng viên (10%).
Theo QS, dữ liệu dùng để đánh giá được thu thập bằng cách tiến hành 3 cuộc khảo sát, lần lượt với các nhà tuyển dụng trên toàn cầu, với giới học giả và từ thông tin mà trường cung cấp. "Các bảng xếp hạng cung cấp thông tin hữu ích cho những ai muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh toàn cầu", ông Nunzio Quacquarelli, Chủ tịch QS, chia sẻ trong một thông cáo.
Chuyên trang The PIE News thì cho biết, theo một báo cáo công bố năm 2024, dù bằng MBA vẫn rất phổ biến nhưng ngày càng nhiều học viên cân nhắc các lựa chọn khác như bằng cấp chuyên môn, bằng thạc sĩ hoặc các lựa chọn phát triển nghề nghiệp khác trước khi theo đuổi bằng MBA.
QS là một trong các tổ chức xếp hạng ĐH có uy tín, nhiều năm kinh nghiệm và sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới, bên cạnh bảng xếp hạng của Times Higher Education (Anh) và Shanghai Ranking Consultancy (Trung Quốc). Tổ chức này xếp hạng ĐH từ 2004 cùng Times Higher Education, 1 năm sau khi thế giới lần đầu có bảng xếp hạng ĐH toàn cầu do ĐH Giao thông Thượng Hải (sau này là Shanghai Ranking Consultancy) công bố.
Bình luận (0)