Ngày 29.11, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn “Tuổi trẻ sáng tạo” với chủ đề “Chuyển đổi số - Tiếp cận và ứng dụng các công nghệ số” trong khuôn khổ Liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo” toàn quốc năm 2020 do T.Ư Đoàn tổ chức.
Diễn đàn có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, giáo dục, kinh doanh và hàng ngàn bạn trẻ đến từ các trường đại học, cao đẳng.
"Sóng đến không lướt thì sẽ bị cuốn trôi"
Theo các chuyên gia tại diễn đàn, hiện việc chuyển đổi số tác động đến mọi người và mọi ngành nghề và không ai không bị ảnh hưởng. Anh Hoàng Quốc Lê, Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số, VTV, cho hay: "Chúng tôi vẫn nói vui với nhau là có khi đến năm 2030 giúp việc phải có trình độ cử nhân tâm lý".
“Tôi nghĩ rằng hiện nay máy móc đã thay thế con người làm rất nhiều việc. Giúp việc không còn phải nấu cơ hay rửa bát. Vậy khi đó tôi chỉ cần giúp việc là người có trình độ về tâm lý để trò chuyện với cha mẹ già và con cái chúng tôi. Như vậy, ngay cả nghề giúp việc nếu không tìm hiểu về chuyển đổi số và tìm cách thích ứng thì sẽ bị đào thải”, anh Lê ví dụ.
Anh Lê Công Thành, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành của Infore technogogy, cho rằng làn sóng chuyển đổi số là tất yếu. “Chuyển đổi số là sóng. Nếu sóng đến không chớp cơ hội để lướt sóng, thì sẽ bị sóng cuốn trôi”, anh Thành ví von. Theo anh Thành, thì chuyển đổi số sẽ không phân biệt lĩnh vực nào và nó sẽ xóa nhòa khoảng cách các lĩnh vực.
“Trên thực tế, khoa học tự nhiên và xã hội được kéo lại gần nhau hơn. Ví dụ, có những công việc như thu thập dữ liệu, phỏng vấn, thì gần với các ngành xã hội hơn. Còn các ngành khoa học tự nhiên thì sẽ phân tích dữ liệu và tìm ra lời giải. Vì vậy, vai trò của sinh viên học khoa học xã hội cũng rất quan trọng trong chuyển đối số và họ có cũng có thể tham gia kiến tạo công cụ để góp phần vào quá trình này”, anh Thành nói.
|
TS Trương Ngoc Kiểm, Phó trưởng Ban hợp tác và phát triển, Bí thư Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng ngay trên giảng đường đại học đã diễn ra chuyển đổi số. Ví dụ trường đang xây dựng cơ sở dữ liệu để chuyển đổi mô hình đào tạo sáng cá thể hóa, chăm sóc người học.
“Chúng tôi phân tích dữ liệu 10 năm qua để thấy sinh viên của tỉnh nào thi vào Trường đại học Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhiều nhất, từ đó có thể hỗ trợ các Sở GD-ĐT phân luống tư vấn cho thí sinh. Hay qua dữ liệu, chúng tôi cũng biết được sinh viên năm đầu tiên “chết” môn nào nhiều nhất để có thể điều chỉnh, tư vấn, quản lý sinh viên, phục vụ người học…”, TS Kiểm ví dụ.
Đặc biệt, anh Kiểm cho rằng, nói đến chuyển đổi số, không có gì cao siêu, bởi hằng ngày sinh viên đã phải thích ứng với công nghệ như sử dụng các ngân hàng điện tử hay các loại thẻ tích hợp… Hoặc công nghệ số đã giúp sinh viên có nguồn tài liệu phong phú trên internet, không còn thiếu thốn công cụ học tập… Điều đó cho thấy không một ai có thể “nằm ngoài” chuyển đổi số.
Người trẻ phải làm gì?
Tại diễn đàn, một sinh viên cho rằng mình không nhất thiết phải tham gia chuyển đổi số. Ví dụ, việc tìm kiếm thông tin trên mạng sẽ làm mất đi thói quen đọc sách và làm mất văn hóa đọc.
Trước ý kiến này, các chuyên gia lý giải rằng chuyển đổi số là một cơ hội dành cho những người biết nắm bắt cơ hội, phục vụ cho cuộc sống.
“Sóng đến có người lướt sóng, có người bị sóng cuốn trôi, nhưng cũng có người ngồi trên bờ nhìn sóng đánh. Khi ngồi trên bờ tránh sóng cũng là thích nghi”, anh Thành lại ví von.
|
Các chuyên gia khẳng định, chuyển đổi số là một thứ tất yếu và chìa khóa trong tay các bạn trẻ, để thay đổi xã hội, thay đổi quốc gia. Vậy người trẻ cần phải làm gì? Theo anh Trần Xuân Bách, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, giảng viên Trường đại học Y Hà Nội, thì người trẻ là động lực và là lực lượng tiên phong trong quá trình chuyển đổi số. Vì vậy, người trẻ cần tâm thế hòa nhập vào quá trình thay đổi.
“Các ngành khoa học đan xen rõ rệt, trở thành những ngành xuyên ngành, dần dần không có ranh giới. Nên cần đón nhận tri thức xung quanh mình, lắng nghe thay đổi là bài học quan trọng nhất. Trong chuyển đổi số, sẽ làm thay đổi hàng loạt ngay lập tức, sau một đêm thức dậy. Vì vậy, các bạn cần tâm thế gắn kết, biết hòa quyện năng lực cùng những người xung quanh mình, có khả năng phối hợp thì mới phát huy được khả năng của mình”, anh Bách nói.
Đồng quan điểm này, anh Lê Công Thành cũng cho biết, ở công ty của anh có vườn ươm doanh nghiệp và số người làm việc tại đây chưa có bạn nào đã tốt nghiệp đại học.
“Để giải bài toán như thầy bói xem voi. Mỗi người làm chỉ ra được một vấn đề nhỏ. Nếu ghép lại sẽ ra vấn đề lớn. Mỗi người có điểm mạnh nhất đem ra góp với nhau, ngồi cùng nhau, kết hợp cùng nhau, chứ không chờ một người có đủ kiến thức để làm. Người trẻ có thể làm cùng nhau, tạo ra bức tranh nhiều sách màu và mình chỉ là một mảnh ghép trong đó thôi”, anh Thành nhấn mạnh.
Bình luận (0)