Năm 2050, nghề cá Việt Nam hiện đại tương đương các nước phát triển trên thế giới

16/11/2021 16:00 GMT+7

Theo dự thảo quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, đến năm 2050, Việt Nam trở thành nước có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương các nước có nghề cá phát triển trên thế giới.

Thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tăng 2,5 lần

Bộ NN-PTNT đang tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo dự thảo, đến năm 2030 sẽ đạt mục tiêu bảo đảm hoạt động khai thác hiệu quả gắn với bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Có cơ cấu, hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, tăng chất lượng, hiệu quả. Bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngư dân trở về sau cảng sau chuyến biển dài ngày - Ảnh: Đức Huy

Đức Huy

Quy hoạch cũng hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ quốc phòng an ninh trên các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Cụ thể, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 1,5%/năm. Tổng số tàu cá giảm xuống còn 83.600 chiếc, trong đó tàu cá khai thác vùng ven bờ 37.200 chiếc, vùng lộng 19.025 chiếc, vùng khơi 27.375 chiếc. Thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản gấp 2,5 lần so với hiện nay. Tổn thất sau thu hoạch giảm xuống dưới 10%...

Về tầm nhìn đến năm 2050, dự thảo đặt mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới.

8 nhóm giải pháp

Để đạt các mục tiêu nêu trên, dự thảo đề ra 8 nhóm giải pháp về tổ chức sản xuất; cơ chế, chính sách; tài chính, đầu tư; môi trường, khoa học và công nghệ; tuyên truyền, nâng cao nhận thức; đào tạo, tăng cường năng lực; hợp tác quốc tế; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện.

Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người lao động ngành thủy sản gấp 2,5 lần so với hiện nay

Công Hân

Trong đó, sẽ tổ chức lại công tác quản lý tàu cá, mùa vụ, ngư trường khai thác phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản đối với từng vùng biển, vùng nước nội đồng. Phân cấp quản lý tàu cá khai thác vùng biển ven bờ cho chính quyền địa phương nhằm tăng hiệu quả quản lý sát với thực tế. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất. Thành lập và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại các vùng biển.

Tàu cá của ngư dân ở cửa biển Sa Kỳ (xã Bình Châu, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi)

H.Phong

Xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng dân cư tham gia đầu tư để thiết lập, quản lý và phát triển các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Có chính sách đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tàu cá; đào tạo kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ tiên tiến trên tàu cá. Hỗ trợ chi phí trong việc chuyển đổi nghề cho ngư dân nhằm giảm áp lực khai thác…

Huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo trong quản lý, điều tra, đánh giá nguồn lợi và hoạt động của tàu cá. Nghiên cứu việc gắn chip điện tử theo dõi sự di cư đối với một số loài động vật thủy sản có giá trị kinh tế và khoa học để tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Tăng cường năng lực hệ thống cảnh báo sớm, ngăn ngừa những rủi ro và thiệt hại.

Tại hội thảo góp ý dự thảo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, việc lập quy hoạch này rất quan trọng trong điều kiện hiện nay nhằm bảo vệ bảo tồn, phục hồi phát triển nguồn lợi thủy sản, khai thác thủy sản, hiệu quả bền vững phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Quy hoạch được thực hiện với mục tiêu xây dựng bộ chỉ số cụ thể về bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản cho từng giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch. Xây dựng phương án tổ chức không gian khai thác thủy sản phù hợp với từng vùng biển, khu vực biển gắn với số lượng tàu cá hoạt động theo nghề, đối tượng khai thác cho từng giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch. Bên cạnh đó, xây dựng được phương án bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản ở từng vùng sinh thái và vùng biển cho từng giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.