Nam Á oằn mình trong nắng nóng chết người

Khánh An
Khánh An
02/06/2024 06:20 GMT+7

Số người chết vì sốc nhiệt tại Ấn Độ gia tăng trong mùa bầu cử, còn Pakistan vất vả đối phó cháy rừng giữa cái nóng thiêu đốt ở Nam Á.

Tờ The Times of India ngày 1.6 đưa tin bang Bihar ở Ấn Độ vừa ghi nhận 14 ca tử vong vì sốc nhiệt, trong đó có 10 nhân viên bầu cử, giữa bối cảnh nhiệt độ tại bang này lên đến hơn 47 độ C khiến các trường học phải đóng cửa đến ngày 8.6. Ít nhất 33 người đã tử vong vì sốc nhiệt tại các bang Bihar, Uttar Pradesh và Odisha ở Ấn Độ trong ngày 31.5 do nắng nóng khắc nghiệt kéo dài.

Bầu cử mùa nóng

Với mức nhiệt cao kỷ lục 52,9 độ C trong tuần qua tại khu vực Mungeshpur (phía bắc Delhi), Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết nhiệt độ cao hơn bình thường đến 4,5 - 6,4 độ C. Trong khi đó, nước này tổ chức vòng bầu cử cuối vào ngày 1.6 và việc kiểm đếm phiếu sẽ tiến hành vào ngày 4.6. Khoảng 100 triệu cử tri đủ tư cách bỏ phiếu tại vòng bầu cử ngày 1.6.

Nam Á oằn mình trong nắng nóng chết người- Ảnh 1.

Các bệnh nhân được điều trị sốc nhiệt tại một bệnh viện ở Ahmedabad (Ấn Độ)

Reuters

Tại bang Uttar Pradesh, ít nhất 9 nhân viên bầu cử tử vong ngày 31.5. "Họ đã bị sốt cao khi nhập viện, có thể do sốc nhiệt. Hiện chúng tôi điều trị ít nhất 23 người được đưa vào viện khi đang làm nhiệm vụ bầu cử", theo lãnh đạo một bệnh viện địa phương. Trước đó, bang Odisha ghi nhận 10 ca tử vong, khiến chính quyền bang khuyến cáo người dân tránh các hoạt động ngoài trời vào buổi trưa. Bang Jharkhand cũng ghi nhận 3 trường hợp tử vong vì sốc nhiệt. Dự báo đợt nắng nóng ở nước này kéo dài thêm 2 ngày nữa, trước khi giảm dần dưới tác động của nhiễu động phía tây, mưa và gió tây nam thổi từ biển Ả Rập.

Nhiệt độ tăng kỷ lục, thủ đô Ấn Độ có khả năng thiếu nước

Cháy rừng, khô hạn

Tại Pakistan, lực lượng chức năng đang đối phó cháy rừng tại nhiều khu vực, trong đó có thủ đô Islamabad. Nhiều nơi ở Pakistan ghi nhận nhiệt độ lên đến

52,2 độ C vào tuần trước. Các cột khói do cháy rừng bốc lên từ sườn đồi ở Islamabad, với nhiệt độ hôm 31.5 được ghi nhận là 41 độ C. Theo Reuters dẫn lời nhân viên cảnh sát Sohail Khan tại Islamabad, nhiệt độ cao kéo dài bất thường và tháng 5 khô hạn hơn khiến lửa lan nhanh. Các đám cháy còn được ghi nhận tại khu vực Hạ Dir thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, cách Islamabad khoảng 250 km về phía tây bắc.

Cùng nằm trong vùng thời tiết khắc nghiệt, số ngày nắng nóng tại Bangladesh trong vòng 12 tháng qua tăng mạnh so với các năm trước. Theo tờ Dhaka Tribune, từ ngày 15.5.2023 - 15.5.2024, Bangladesh ghi nhận 76 ngày nắng nóng cực độ. Theo nghiên cứu của mạng lưới toàn cầu World Weather Attribution, Trung tâm khí hậu thuộc tổ chức Trăng Lưỡi liềm đỏ và tổ chức Climate Central (Mỹ), nếu không có biến đổi khí hậu, Bangladesh lẽ ra chỉ ghi nhận 19 ngày nắng nóng trong giai đoạn trên. 

Chuyên gia Ahmad Kamruzzaman Majumder tại Đại học Stamford Bangladesh cho rằng xu hướng đáng báo động trên là do đô thị hóa dẫn đến thay đổi trong sử dụng đất, giảm diện tích ao hồ và cây xanh, trong khi tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Giá LNG tiếp tục cao

Giá khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á đã giảm nhẹ trong tuần qua, nhưng vẫn neo ở mức gần cao nhất trong 6 tháng do thời tiết nắng nóng trong khu vực kéo tăng nhu cầu làm mát. Theo Reuters, giá LNG trung bình giao tháng 7 ước tính là 12 USD/mmBtu (1.000 m3 khí thiên nhiên tương đương khoảng 36 mmBtu), giảm so với mức 12,3 USD/mmBtu vào tuần trước - mức cao nhất kể từ giữa tháng 12.2023.

Theo chuyên gia phân tích Masanori Odaka tại Công ty Rystad Energy (Na Uy), đợt nắng nóng làm tăng nhu cầu LNG ở Ấn Độ, khi các nhà nhập khẩu nước này không còn lựa chọn nào ngoài việc nhập LNG giao ngay do nhu cầu điện tăng vọt. Các nhà cung cấp điện ở Đông Nam Á như PTT (Thái Lan) và First Gen (Philippines) cũng đang tìm nguồn cung LNG giao tháng 7.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.