Năm của Nguyễn Hoàng Đức

03/02/2022 08:37 GMT+7

Rất thích nhìn tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức đi bóng trên sân mà có lẽ dùng từ tinh tế thôi là chưa đủ. Đức nhanh, khéo, mềm mại, uyển chuyển, chuyền phát nào lịm tim người xem phát ấy. Ấy thế mà, thuở bình minh sự nghiệp, Đức từng có thời điểm rơi vào trạng thái ít ai ngờ được.

Một con ốc sên rụt rè và cú bật công tắc điện

Năm 2012, cậu bé 13 tuổi quê Hải Dương, người gầy mảnh, ánh mắt rụt rè bước chân vào Trung tâm thể thao Viettel. Nhiều lính mới khác có thể chỉ cần 3 tháng, cùng lắm 6 tháng để quên hẳn đi những “hoạt động” mang tính cá nhân thuần túy, chẳng hạn như sụt sùi khóc khi xa nhà và dần thích ứng với môi trường sinh hoạt rất khác quãng đời không bóng đá (chuyên nghiệp) trước đó. Nhưng cậu bé này lại hoàn toàn không thế, cậu mất đến hơn 1 năm để hòa nhập. Một năm xen lẫn nhiều cảm xúc hỗn độn mà trong ấy, đôi khi sự chán nản lại là cảm xúc chủ đạo. Lời giới thiệu của thầy Hồng Sơn và cái duyên đưa Đức đến thi tuyển tại Trung tâm thể thao Viettel từng bị coi là một sự lựa chọn sai lầm.

độc lập

Năm 15 tuổi, Đức vẫn rụt rè như con ốc sên, rất ít khi chịu chui mình ra khỏi vỏ. Sau này, Đức kể lại: “Môi trường rèn luyện rất nghiêm khắc khiến tôi có cảm giác bị ngộp thở. Đã có lúc tôi không thể theo kịp. Lý trí và tình yêu dành cho bóng đá thì chưa bao giờ bị mai một nhưng sao lại bế tắc thế này. Tôi đã từng tự hỏi mình, chất vấn mình và đặt ra câu hỏi, tương lai sẽ ra sao”. Nhiều bài kiểm tra chuyên môn, Đức đều bị điểm thấp vì không đáp ứng được yêu cầu, thậm chí Đức từng trong danh sách có nguy cơ bị loại khỏi Trung tâm thể thao Viettel. Nhưng sau rất nhiều lần cân nhắc, huấn luyện viên Thành Công vẫn quyết định giữ Đức lại.

Highlights Việt Nam 3-1 Trung Quốc: HLV Park 'lì xì' chiến thắng cho người hâm mộ

“Phải tin mình làm được điều ấy”

Cú sốc “suýt bị loại” đã có tác dụng như một cú bật công tắc điện. Một phiên bản Hoàng Đức mới, rất mới đã ra đời, không còn hình ảnh “một con ốc sên” rụt rè với mọi thứ. Hóa ra, trong con người cậu có một Đức khác mà khi tự ái và lòng tự trọng bị chạm vào thì mới có cơ hội lộ diện. Môi trường tập luyện chuyên nghiệp với nội quy luôn được siết chặt không còn làm Đức cảm thấy ngộp thở nữa. Thậm chí, độ chăm chỉ của cậu còn khiến đồng đội phát hoảng. Cứ sau mỗi buổi tập chiều, người ta lại thấy một anh chàng mảnh khảnh đi xếp từng marker để tự mình tập sút phạt, sút xa. Cái dáng cao gầy, lẻ loi trên sân tập xanh ngút mắt trông đơn độc nhưng bất cứ ai nhìn vào cũng thấy muốn nở một nụ cười.

Năm 2021, Viettel FC lần đầu tiên tham dự AFC Champions League. Đức lần đầu được bước chân vào sân chơi châu Á cấp câu lạc bộ nhưng thực ra, Đức từng dự World Cup U.20 năm 2017 rồi. Nhớ mãi một kỷ niệm về Đức ở trận gặp U.20 New Zealand, lúc đó U.20 Việt Nam phản công chớp nhoáng, Đức một mình trước khung thành bỏ trống và quyết định tung cú sút hiểm, nhưng… anh bị trượt chân nên quỹ đạo bay của bóng đã chệch hướng lên trời. Nếu hôm ấy, Đức ghi bàn…

Nhưng thôi, giờ kể lại AFC Champions League, dù Viettel không thể đi sâu vào vòng sau nhưng cá nhân Đức lại cực kỳ nổi bật với các chỉ số tốt đến không tưởng. Hiếm có cầu thủ Việt Nam nào mà mới thi đấu một trận đã được huấn luyện viên đội bạn đến gặp trực tiếp đặt vấn đề chuyển nhượng. Huấn luyện viên câu lạc bộ PG Pathum hỏi Đức rồi khi anh về Việt Nam, lại nhắn tin cho Đức mấy lần. Và không chỉ đội của Thái, cũng có câu lạc bộ nổi tiếng Hàn Quốc muốn mời anh sang thi đấu. Nhưng thời điểm này, Viettel vẫn đang cần một người như Đức.

Có một chuyện rất buồn cười xung quanh phát ngôn “động trời” của Đức tại SEA Games 30 năm 2019. Đức lập siêu phẩm với cú nã đại bác tầm xa vào lưới U.22+2 Indonesia, thế mà sau trận, anh chàng tiết lộ gây sốc kèm nụ cười hiền: “Lúc tôi đỡ bóng, thấy tình huống thuận lợi thì vung chân đá, không nghĩ nó thành bàn thắng”. Nhưng cũng có lúc, anh nói năng rất tự tin. Bằng chứng là sau trận gặp câu lạc bộ PG Pathum vòng bảng AFC Champions League, Duy Thường ngồi cạnh Hoàng Đức, khẽ khàng chia sẻ: “Anh thực sự ngạc nhiên Đức ạ. Có những đường bóng anh đã nghĩ em không thể chặn được, có những tình huống anh đoán là em không thoát được rồi. Vì thực sự nó bất khả thi. Nhưng anh không hiểu vì sao em vẫn làm được. Em làm tốt hơn cả những gì anh mong đợi”. Đức vừa chỉnh lại giày, rồi cũng khẽ khàng giải thích kèm nụ cười: “Anh thấy không, điều quan trọng nhất là phải tin mình làm được điều đấy, phải thoát được khỏi tình huống đấy, phải chặn được quả bóng đó… Rõ ràng là mình làm được khi tập luyện thì không có lý do gì vào trận mình không thể làm tốt”.

Đức là thế, anh đang cho chúng ta thấy một điều rằng, khi đã chuẩn bị đủ tốt cho tuổi trẻ của mình, chúng ta hoàn toàn tự tin. Và khi đủ tự tin, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Đức mới bước sang tuổi 24. Tương lai còn rộng mở, nhất là với mẫu người cầu tiến, cầu thị như Đức. Cựu danh thủ Hồng Sơn từng dành cho Đức những lời yêu thương, những nhận xét vô cùng độc đáo: “Đức không quá mạnh mẽ về thể chất. Lối chơi của Đức mềm mại, uyển chuyển và dẻo như một dải lụa, khiến tôi bất giác liên tưởng đến lối đánh của Trương Tam Phong môn phái Võ Đang. Mềm mại mà tinh anh và chuẩn xác”.

Thầy cũ của Đức, huấn luyện viên đội U.19 Việt Nam Hoàng Anh Tuấn khen Đức thế này: “Cậu ấy toàn diện. Kỹ thuật cá nhân rất đỉnh nhưng nhắc đến Đức còn phải nhắc đến tầm nhìn và nhãn quan chiến thuật. Rất tuyệt vời. Đức có tư duy đặc biệt tốt và bộ kỹ năng cũng đặc biệt tốt nên đá không mất sức. Tôi thích những mẫu cầu thủ tinh tế và Đức lại quá tinh tế. Có nét gì đó hao hao với Tuấn Anh. Ngoài đời, Đức điềm tĩnh và sự điềm tĩnh ấy được Đức mang vào sân cỏ. Tại sao tôi lại nhấn mạnh chi tiết này. Bởi một cầu thủ đã sở hữu nền tảng kỹ thuật điêu luyện, có thái độ và cách ứng xử điềm tĩnh trên sân thì trạng thái tâm lý lúc thực chiến thường rất tốt. Các trận cuối vòng loại thứ 2 và đầu vòng loại thứ 3 World Cup 2022, không hề ngạc nhiên khi Đức luôn được ông Park đặt vào đội hình chính như một mảnh ghép quan trọng nhất”.

Theo thống kê, trong 6 trận, Hoàng Đức dẫn đầu cả 3 chỉ số: chuyền nhiều nhất (220 đường chuyền), tắc bóng thành công nhiều nhất (15 lần), đi bóng thành công nhiều nhất (17 lần). Số đường chuyền dài của Hoàng Đức trong 6 trận đầu tiên tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 - thậm chí còn lớn hơn con số của Xuân Trường, Tuấn Anh và Đức Huy cộng lại. Được bầu chọn là cầu thủ Việt Nam xuất sắc nhất trận gặp Úc, Hoàng Đức đạt chỉ số hiệu quả là 264 (cao nhất đội) với tổng số thời gian có mặt trên sân 97 phút, chuyền bóng 27 lần, trong đó có 24 đường chuyền chính xác, đạt 89%; đi bóng 5 lần (100% thành công); thu hồi bóng (17 lần); đứng đầu về số lần tắc bóng thành công và cắt đường chuyền của đối phương (7 lần); đứng đầu về dứt điểm và tạo cơ hội (5 lần).

“2021 là năm của Đức. Nhưng tôi vẫn muốn Đức cải thiện thêm sức mạnh thể chất vì sau này Đức còn phải va vấp với những đối thủ đẳng cấp cao của châu Á hay thậm chí thế giới. Khéo léo không thôi là chưa đủ. Đức đang ở mùa xuân của sự nghiệp mà mùa xuân ấy kéo dài cỡ nào, phụ thuộc vào Đức cả thôi. Và chúng ta hãy tin, con đường mà Đức đang đi rất rộng mở, bởi cậu ấy biết tỏa sáng rực rỡ theo cách của riêng mình. Cách của Nguyễn Hoàng Đức”, ông Hoàng Anh Tuấn nhận xét.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.